Nạn nhân mới nhất là ông Nguyễn Văn Th. (SN 1969; trú tại ngõ 358 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân) bị con chó giống Malinois (Bécgiê Bỉ) nặng khoảng 40kg cắn vào cổ sáng 19/8. Con chó này do em rể ông Th. ở nhà bên cạnh dắt ra ngoài, nhưng không rọ mõm. Mặc dù gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, nhưng ông bị hôn mê sâu. Ngày 20/8, gia đình xin cho bệnh nhân về và ngày 21/8, ông Th. tử vong tại nhà. Trước đó, ngày 14/7, một bé gái 8 tháng tuổi (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cũng bị chó ngao Tây Tạng nặng khoảng 40kg (gia đình nuôi) tấn công, và đã tử vong.
|
Đội chuyên trách bắt chó thả rông phường Hạ Đình thực hiện nhiệm vụ, xử lý các trường hợp chó thả rông trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thái |
Thông tin từ BV Việt Đức cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, BV cũng tiếp nhận 2 trường hợp bị chó cắn làm nạn nhân đứt rời môi, lóc da bàn tay. Đó là trường hợp bé trai 7 tuổi (ở huyện Chương Mỹ) nhập viện trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết nửa môi trên dính sát mũi, phần đứt rời bị dập nát, có nhiều vết răng chó. Trường hợp thứ 2 là một cụ bà 88 tuổi (ở huyện Đông Anh). Trên đường đi mua thuốc về, bà bị chó nhà hàng xóm chạy ra đường xô ngã, cắn vào tay, bị lóc da bàn tay...
Nhiều người thể hiện sự bức xúc trước tình trạng chó thả rông, không rọ mõm dù đã có lệnh cấm, quy định xử phạt trước những sự việc đau lòng này. Khảo sát trên các tuyến phố, công viên, vườn hoa, khu chung cư, ghi nhận cảnh nhiều gia đình thả rông chó, không rọ mõm ở nơi công cộng và không ít người đi đường lo sợ trước nguy cơ bị chó tấn công. Chị Nguyễn Thủy Minh (trú tại Khu nhà ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) kể, trước đây, chị từng bị chó nhà hàng xóm tấn công, phải tiêm vaccine phòng bệnh dại. “Thỉnh thoảng tôi đi dạo bộ trong khu chung cư, có những con chó thả rông chạy ngang qua không rọ mõm, thậm chí có con chạy đến hít hít khiến tôi sợ hãi. Trong khi đó, chủ nuôi chó cứ dửng dưng” – chị Minh chia sẻ.
"Sau vụ việc ông Th. bị chó cắn tử vong, đoàn liên ngành của quận Thanh Xuân đã đến gia đình để xác minh và cả 2 gia đình đã xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận tiêm phòng dại của 2 con chó trên. Quận đã chỉ đạo Trạm thú y quản lý chặt con chó Malinois; chỉ đạo UBND các phường tăng cường tuyên truyền tới Nhân dân về việc nuôi và quản lý chó; thống kê số lượng, lập sổ theo dõi kiểm soát chặt các giống chó trên địa bàn. Do làm tốt công tác tuyên truyền, việc tiêm phòng vaccine dại tại Hà Nội đạt trên 90% trong diện phải tiêm. Nhận thức của người dân về bệnh dại tốt; chính quyền địa phương các cấp tập trung cao cho việc tiêm phòng, tuyên truyền về bệnh dại." - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn |
Quản lý, xử lý chưa nghiêmTrao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT được Bộ NN&PTNT ban hành ngày 31/5/2016, các quy định về quản lý chó nuôi rất chặt chẽ. Theo đó, đối với chủ nuôi chó: Phải đăng ký với chính quyền địa phương, phải thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine dại cho chó đúng quy định, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình. Trường hợp cho chó ra nơi công cộng, chủ nuôi cần đeo rọ mõm, hoặc có người dắt chó. Nếu như để chó tấn công người khác, chủ nuôi phải chịu mọi phí tổn đối với người bị chó cắn. Đối với chính quyền địa phương, phải tuyên truyền cho người dân chấp hành các quy định của pháp luật và lập sổ theo dõi đối với chủ nuôi chó; tổ chức tiêm phòng cho chó; đồng thời, thành lập các tổ bắt giữ chó để xử lý theo quy định.
“Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định, nhiều gia đình thả rông chó nơi công cộng, không rọ mõm. Số lượng chó thả rông, đặc biệt ở khu vực nông thôn quá cao. Việc quản lý ở một số nơi còn hạn chế; sổ theo dõi chó nuôi chưa thực hiện tốt. Về việc để chó thả rông ra nơi công cộng, không tiêm phòng cho chó, hầu như các địa phương chưa xử phạt. Nguyên nhân do chính quyền địa phương chưa quan tâm, mức phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe" – ông Sơn cho biết.
Phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) là một trong những nơi tiên phong trong việc xử lý chó thả rông. Từ tháng 4/2017, phường đã thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông trên địa bàn để xử lý. Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Nguyễn Ngọc Khương cho biết, đội chuyên trách gồm lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân phòng. Đội được đơn vị Thú y tập huấn cách bắt chó, thường ra quân vào giờ cao điểm, 5 – 6 giờ sáng, hoặc buổi chiều tối. “Trước khi ra quân, phường tuyên truyền, yêu cầu các hộ gia đình nuôi chó thực hiện cam kết, không thả rông chó ra ngoài đường. Số chó thả rông bắt được đã đem về UBND phường, đồng thời thông tin lên hệ thống đài truyền thanh phường. Các chủ vật nuôi đã đến phường làm thủ tục nhận chó và nộp phạt theo quy định” – ông Khương chia sẻ.
Phải tuân thủ quy địnhTheo Kế hoạch số 23/KH-UBND của UBND TP ban hành ngày 23/1/2018, tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn và đối với bệnh dại chó phải tiêm phòng đạt 100%. Xây dựng kế hoạch và từng bước thí điểm tại một số quận trung tâm là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại.
Ngày 26/1/2018, UBND TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, trường hợp chó thả rông cắn người, chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quang – Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mức phạt. Cụ thể, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, sẽ bị xử phạt từ 600.000 – 800.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe. Cần áp dụng các quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Thậm chí, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu động vật tấn công người dẫn đến tử vong. Đây là chế tài để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ vật nuôi với cộng đồng, xã hội.