Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cá cảnh "xuất ngoại" tăng đột biến

Theo Dân Trí
Chia sẻ Zalo

Thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2016, sản xuất cá cảnh trên địa bàn thành phố đạt 87 triệu con, tăng 2,4% cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong 10 tháng gần 13 triệu, tăng 14,3% so cùng kỳ.

Nhiều người dân tại TP.HCM đã kéo nhau về công viên Lê Văn Tám (đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1) để "chiêm ngưỡng" các loài cá cảnh "đẹp, lạ, độc" đang được trưng bày tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm lần 5 (Hi-tech Agro 2016).
Hội chợ này diễn ra từ ngày 10-14/11, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức. Nét mới và cũng là điểm thu hút nhất tại Hi-tech Agro 2016 chính là khu triển lãm, thương mại các loại cá cảnh.
 Người dân TP Hồ Chí Minh quan tâm đến các mô hình nuôi cá cảnh.
Khu triển lãm cá cảnh được thiết kế theo hình thức thủy cung để khách tham quan những loại cá cảnh đẹp, có giá trị cao được các nghệ nhân, cơ sở nuôi cá cảnh ở TP.HCM mang đến trưng bày như cá Koi, cá đĩa, cá ông tiên, cá beta, cá vàng, cá neon, cá phát tài, cá sam, cá gen phát sáng….
Ngoài ra, còn có hơn 20 gian hàng thương mại của các cơ sở nuôi, cung cấp cá cảnh; các cơ sở sản xuất, cung cấp cây thủy sinh, hồ thủy sinh; cơ sở thiết kế nuôi cá - trồng rau công nghệ tuần hoàn khép kín.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, đây là hoạt động đầu tiên trong chương trình Phát triển cá cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 mà lãnh đạo TP Hồ Chí Minh giao Sở NN&PTNT phối hợp với các quận huyện có sản xuất, kinh doanh cá cảnh tập trung, Hội Nông dân, Hội Sinh vật cảnh tổ chức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Cúc, cá cảnh là một trong những lĩnh vực nông nghiệp đô thị quan trọng của TP.HCM, đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và có nhiều tiềm năng phát triển.
Năm 2015, trên địa bàn TP.HCM có 286 cơ sở sản xuất cá cảnh, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và có 278 cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Sản lượng cá cảnh năm 2015 đạt 120 triệu con, tăng 100% so với năm 2010; giá trị sản xuất đạt 534,5 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so năm 2010.
Đối tượng sản xuất chủ yếu vẫn là cá bảy màu, hòa lan, hồng kim, mô ly, bình tích, dĩa, xiêm, la hán, ông tiên, chép, vàng, sặc, phượng hoàng, tứ vân, mũi đỏ… Sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 13 triệu con, giá trị kim ngạch đạt 12 triệu USD, tăng 100% so năm 2010.
Trong đó, chủ yếu là các loại: cá neon, moly, bình tích, trân châu, bảy màu, cá xiêm, cá dĩa... Thị trường xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM rất đa dạng với 47 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 60 - 70% như: Đức, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech…
UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1548/QĐ-UBND ngày 2/4/2016 phê duyệt Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh đạt 150 - 180 triệu con, xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu USD. Duy trì, mở rộng phát triển mạnh sản xuất cá cảnh tập trung tại các quận, huyện: 8, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh của thành phố đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường hiện có và mở rộng sang các thị trường khác.
Thống kê mới nhất từ Sở NN&PTNT TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2016, sản xuất cá cảnh trên địa bàn thành phố đạt 87 triệu con, tăng 2,4% cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong 10 tháng là 12.627.000 con, tăng 14,3% so cùng kỳ.