Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: Nâng giá trị tôm sú bằng chỉ dẫn địa lý

Hoàng Quân - Việt Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cà Mau là thủ phủ tôm sú với sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm với chất lượng cao được thế giới công nhận. Để phát huy tối đa lợi thế, tỉnh này đã có những bước đi xứng tầm với thương hiệu đó.

Mỗi năm, Cà Mau sản xuất hàng chục nghìn tấn tôm sú (năm 2021 là 86.000 tấn), trong khi sản lượng hàng năm của thế giơi chỉ hơn 500.000 tấn/năm.

Được nuôi trên vùng đất ngập mặn ven biển phù sa bồi đắp, nguồn nước không bị ô nhiễm nên con tôm sú Cà Mau to hơn, ngọt hơn các nơi khác, quốc gia khác như: Ấn Độ, Thái Lan... Do đó, loại hải sản này được xem là thực phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... ưa chuộng và được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Nuturland… Hiện, tôm sú Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chế biến tôm sú tại  Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau. Đây là  doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận sinh thái EU Organic, BIO SUISSE cho chuỗi sản phẩm tôm sinh thái.
Chế biến tôm sú tại  Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau. Đây là  doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận sinh thái EU Organic, BIO SUISSE cho chuỗi sản phẩm tôm sinh thái.

Những năm qua, con tôm sú được nông dân Cà Mau nuôi theo nhiều mô hình khác nhau như: Chuyên tôm, rừng - tôm, lúa - tôm, nuôi xen canh giữa tôm quảng canh truyền thống với cua, sò huyết, cá… đạt năng suất, sản lượng cao. Trước đây, nông dân Cà Mau chủ yếu nuôi tôm theo phương pháp quảng canh truyền thống, với các loại: Tôm đất, tôm bạc, tôm thẻ đuôi... có giá trị kinh tế không cao. Do đó, họ đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm sú. Dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng con tôm sú đã khẳng định được giá trị kinh tế và gắn chặt với đời sống của nhiều hộ nông dân Cà Mau.

Gần đây, Cà Mau mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi tôm sú sinh thái. Tôm nuôi không được cho ăn thức ăn công nghiệp mà phải tự tìm thức ăn trong môi trường nước để sinh sống phát triển, ít chịu sự tác động của con người và khoa học kỹ thuật nên chất lượng rất cao được người tiêu dùng yêu thích.

Để bảo tồn phát huy giá trị con tôm sú Cà Mau, việc triển khai Dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú Cà Mau” được tỉnh tiến hành từ nhiều năm trước. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy kết quả phân tích các chỉ tiêu tôm sú nguyên liệu, tôm sú chế biến cùng với các chỉ tiêu chất bùn, nước của các vùng nuôi tôm sú trong tỉnh đều đạt ngưỡng lý tưởng. Trên cơ sở đó, ngày 30/9/2021 Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4287/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00110 cho sản phẩm tôm sú “Cà Mau”.

Sau thời gian thẩm định bình xét, mới đây Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau (gồm Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú Cà Mau cho 3 doanh nghiệp thủy sản có nhiều đóng góp quan trọng vào kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm ngành tôm của tỉnh Cà Mau, mang sản phẩm tôm sú Cà Mau đi vào các thị trường nhiều năm qua.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá, tôm sú sinh thái hiện là một trong bốn mặt hàng chủ lực của tỉnh được xác định rõ trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau”.

 

Theo quyết định của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh  Cà Mau, Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú chế biến. Khu vực địa lý: Tôm sú nguyên liệu được mua từ các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời  (thị trấn Sông Đốc, xã Lợi An, xã Phong Điền, xã Phong lạc), Thới Bình (xã Hồ Thị Kỷ, xã Tân Lộc, xã Tân Lộc Đông, xã Tân Lộc Bắc).

Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú  được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” đối với sản phẩm tôm sú nguyên liệu, được mua trong vùng dự án chứng nhận tôm sinh thái/hữu cơ ở các xã Viên An Đông, Viên An, Đất Mũi, Tân Ân, Tam Giang Tây và thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển.

Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú nguyên liệu và tôm sú chế biến, được mua từ xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn và xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.