Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả Nga và EU cùng siết “đòn” trả đũa lẫn nhau

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Moscow kéo dài các hạn chế ngoại thương, trong khi Brussels gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng.

Nga và EU gia hạn trừng phạt lẫn nhau. Ảnh: Pemedianetwork
Nga và EU gia hạn trừng phạt lẫn nhau. Ảnh: Pemedianetwork

Theo đài RT, ngày 20/7, Nga đã gia hạn các hạn chế thương mại đối với những quốc gia được coi là “không thân thiện” cho đến ngày 31/12/2025. Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế chống Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh gia hạn các hạn chế thương mại hàng hóa và nguyên liệu thô với Mỹ và các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt Nga cho đến cuối năm 2025. Văn bản được công bố trên trang web chính thức của chính phủ về thông tin pháp lý.

Các biện pháp hạn chế của Moscow lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 3/2022, ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine và bị phương Tây áp lệnh trừng phạt. Sắc lệnh ban đầu có hiệu lực đến cuối năm 2022 và sau đó được gia hạn đến cuối năm nay.

Sắc lệnh này cấm xuất khẩu từ Nga các hàng hóa như thiết bị công nghệ, viễn thông và y tế, phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện, cùng một số nguyên liệu thô có trong danh sách của chính phủ.

Cùng ngày, Hội đồng châu Âu công bố đã quyết định kéo dài thêm 6 tháng “các biện pháp hạn chế nhắm vào những lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Liên bang Nga”, cho đến ngày 31/1/2024.

Theo một thông cáo được công bố trên trang web của Hội đồng châu Âu, các biện pháp này bao gồm “các hạn chế đối với thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa sử dụng kép, công nghiệp, vận tải và hàng xa xỉ”.

Các biện pháp hạn chế này cũng bao gồm lệnh cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU, chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và đình chỉ hoạt động phát sóng cũng như giấy phép của một số phương tiện truyền thông Nga.

EU lần đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào năm 2014 để đáp trả việc Crimea sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý.

Khối này sau đó đã gia tăng đáng kể các biện pháp hạn chế kinh tế đối với Nga kể từ tháng 2/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, EU đã áp đặt 11 gói trừng phạt “chưa từng có và mạnh mẽ” liên tiếp đối với Moscow. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo khác nhau, EU gần như “cạn kiệt” các lựa chọn để gây áp lực kinh tế hơn nữa đối với Nga.

EU tiết lộ tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng

Công ty dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới Euroclear cho biết đã thu được gần 2 tỷ USD tiền lãi từ các tài sản Nga bị đóng băng trong nửa đầu năm 2023.

Theo đài RT, trong báo kết quả tài chính 6 tháng đầu năm nay, Euroclear ghi nhận "thu nhập hoạt động tăng trưởng đáng kể", một phần do "tiền lãi cao hơn, bao gồm cả sự gia tăng đáng kể từ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga".

Trong 6 tháng đầu năm nay, EU thu được hơn 1,7 tỷ euro tiền lãi từ số tài sản của Nga bị đóng băng . Ảnh: Getty
Trong 6 tháng đầu năm nay, EU thu được hơn 1,7 tỷ euro tiền lãi từ số tài sản của Nga bị đóng băng . Ảnh: Getty

Dữ liệu được Euroclear công bố hôm 20/7 cho thấy tổ chức này đang nắm giữ lượng tài sản bị đóng băng trị giá 196,6 tỷ euro (gần 220 tỷ USD), phần lớn trong số đó thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Nga. EU đã đóng băng tổng cộng 207 tỷ euro (hơn 231 tỷ USD) tài sản và dự trữ của Nga kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU đã nhiều lần kêu gọi sử dụng các tài sản của Nga bị đóng băng để tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, các lãnh đạo vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga, do sự phức tạp về khía cạnh pháp lý của vấn đề.

Giới chức EU cũng lo ngại rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ làm suy yếu đồng Euro và ảnh hưởng tâm lý đối với các quốc gia dự trữ đồng tiền này.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần chỉ trích những nỗ lực của phương Tây nhằm chuyển tài sản bị tịch thu của nước này cho Ukraine. Moscow tuyên bố sẽ có động thái đáp trả tương xứng nếu cần thiết, đồng thời lập luận rằng việc tịch thu và sử dụng tài sản bị đóng băng của nước này là “hành vi ăn cắp” và vi phạm luật pháp quốc tế.