Hiện, cả nước có 10 nhà máy đã kết thúc vụ sản xuất 2017 - 2018 với lượng đường sản xuất được hơn 1,1 triệu tấn đường, tăng hơn cùng kỳ 146.389 tấn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội VSSA Phạm Quốc Doanh cho biết, điều đáng lo lắng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đường trong nước là hàng trăm ngàn tấn đường lỏng đang được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế suất 0%. Giá đường lỏng lại rẻ hơn đường trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ đường trong nước. Trong khi đó các DN sản xuất, chế biến bánh kẹo trong nước cũng đang có xu hướng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng.
Đáng chú ý, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trước kia có 10 nhà máy đường nhưng đến nay đã có 4 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ, không cạnh tranh được. Để đảm bảo tiêu thụ được đường, VSSA đã khuyến khích các các DN trong Hiệp hội cần chủ động giữ chân khách hàng truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khách hàng mới. Ngoài ra, các nhà máy cũng cần linh hoạt hạ giá thành để tiêu thụ được đường.
Ngoài ra, những nguyên nhân nội tại của ngành đường Việt Nam vốn tồn tại nhiều năm cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng, chất lượng. Đó là: Diện tích nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu làm giá thành sản phẩm tăng khó cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn...
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.