KTĐT - Một cuộc khảo sát của các chuyên gia tuyển dụng nhân sự cho thấy 90% những người đi phỏng vấn xin việc không trình bày được họ có những kỹ năng gì.
Bắt đầu tìm kiếm một công mới luôn là điều khó khăn. Nhiều người không hiểu được tại sao họ mãi gặp khó khăn khi tìm một công việc, trong khi một số người khác lại dễ dàng được tuyển dụng. Điều này sẽ gây cho bạn không ít thất vọng, chán nản và tâm lý trì trệ, buông xuôi. 6 bước tìm việc dưới đây sẽ giúp bạn loại bỏ những khó khăn, trở ngại để tìm được cho mình một việc làm lý tưởng.
Hiểu rõ mình có những kỹ năng gì
Một cuộc khảo sát của các chuyên gia tuyển dụng nhân sự cho thấy 90% những người đi phỏng vấn xin việc không trình bày được họ có những kỹ năng gì. Điều đó có nghĩa học không thể trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng tôi phải thuê bạn? Và kết quả là cơ hội để để được tuyển dụng gần như là không có. Hiểu rõ về bản thân, những điểm yếu, điểm mạnh và những kỹ năng đã có của mình (và có những dẫn chứng rõ ràng cho việc thể hiện những kỹ năng đó) sẽ tạo lợi thế cho bạn trong việc tìm ra cho mình một việc làm phù hợp.
Chìa khoá để thành công khi tìm kiếm công việc mới chính là nhận ra những gì khiến bạn nổi bật và trở nên độc đáo trong số các đối thủ cạnh tranh, sau đó truyền tải những yếu tố này tới nhà tuyển dụng, bằng cả văn bản và lời nói.
Biết được nguồn thông tin tìm việc hiệu quả
Ngoài những nguồn tuyển dụng truyền thống như báo chí, Internet, các hội chợ việc làm... bạn có thể tìm được nguồn thông tin tuyển dụng từ chính mạng lưới các mối quan hệ của mình. Hãy nói chuyện với bạn bè, người thân, và các đồng nghiệp tin cậy rằng bạn đang tìm kiếm một công việc mới, đồng thời đề nghị họ quan tâm giúp bạn xem có các cơ hội việc làm nào không.
Bạn cũng nên biết rằng nhiều vị trí tuyển dụng không được đăng tuyển rộng rãi mà chủ yếu được tuyển thông qua giới thiệu hoặc tiến cử từ người trong công ty. Thêm vào đó, tình hình suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu khiến cho thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Trước thực tế đó, xây dựng quan hệ cá nhân với người trong công ty mà họ nhắm đến, không nhất thiết phải là người ở bộ phận nhân sự đang là cách khôn ngoan để tiếp cận với những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất.
Bạn có thể sử dụng nhiều cách xin việc để nâng cao khả năng thành công của mình. Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng quá nhiều cách vì nếu người xin việc dùng nhiều phương cách, tỷ lệ thành công sẽ lại có chiều hướng giảm do "đi quá nhiều đường tắt".
Biết được nhà tuyển dụng muốn gì
Các nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Họ còn quan tâm đến những phẩm chất vô hình của bạn như khả năng làm việc theo nhóm, khả năng sáng tạo, óc tổ chức... Họ cũng có thể tìm kiếm những ứng viên có những phâm chất độc đáo phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của họ. Hãy biến nó thành lợi thế của bạn khi tìm hiểu càng nhiều càng tốt những gì mà mỗi nhà tuyển dụng tìm kiếm trước khi bạn bắt đầu công việc tìm kiếm của bạn.
Viết một CV hoàn hảo và một lá thư kèm theo (covering letter) ấn tượng
CV thường được sử dụng như là bước đầu tiên trong quá trình tìm việc. Nhà tuyển dụng sẽ nắm bắt được những thông tin cơ bản nhất về bạn thông qua CV để quyết định xem có chọn bạn đi phỏng vấn hay không. Một CV hoàn hảo là phải chỉ rõ mục tiêu công việc; những kỹ năng, năng lực; kinh nghiệm công việc và danh sách các thành quả đạt được.
Cùng với CV hãy viết một thư gửi kèm theo ấn tượng. Khi gửi những lá thư này đi nhiều nơi, bạn phải đảm bảo có nêu tên cá nhân người nhận. Nếu có thể, bạn hãy nói một chút về công ty để cho thấy rằng bạn có sự chuẩn bị kiến thức nhất định về nơi xin việc. Nên nhớ rằng thư gửi kèm cực kỳ quan trọng do nó đóng vai trò là điểm tiếp xúc đầu tiên với nhà tuyển dụng.
Chuẩn bị sẵn sàng cho buổi phỏng vấn
Buổi phỏng vấn đầu tiên chính là cơ hội tuyệt vời để bạn giới thiệu về bản thân với nhà tuyển dụng. Do đó bạn nên nghiên cứu trước những thông tin về công ty bạn sẽ ứng tuyển như công ty đó thành lập được bao lâu, chuyên kinh doanh lĩnh vực gì, chiến lược phát triển của công ty… Điều này giúp bạn tự tin hơn trong suốt cuộc phỏng vấn. Mặt khác nó cũng giúp bạn ghi điểm đối với nhà tuyển dụng chứng tỏ bạn là một ứng viên tin cậy và thực sự mong muốn được làm việc trong công ty. Đồng thời, bạn cũng nên dành thời gian để nghiên cứu các câu hỏi mà các nhà tuyển dụng có thể hỏi và tìm ra cách trả lời khôn ngoan nhất.
Dựa trên những thông tin tham khảo từ trước, bạn có thể hỏi lại nhà tuyển dụng về những kỹ năng và phẩm chất nào họ đang tìm kiếm cho vị trí công việc mới. Kế hoạch và xu hướng phát triển của công ty trong tương lai...? Nhà tuyển dụng luôn thích những ứng viên biết đặt câu hỏi thông minh và đặc biệt luôn dựa trên những hiểu biết của ứng viên về tổ chức. Điều quan trọng, bạn phải chứng tỏ mình là người ấn tượng nhất.
Giữ liên lạc
Ngay sau buổi phỏng vấn, bạn nên viết email hay gọi điện cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn. Mục đích của việc viết thư cảm ơn là lưu lại ấn tượng tốt đối với các nhà tuyển dụng, đồng thời tăng thêm tính thành công trong quá trình xin việc của bạn. Các lá thư này phải thể hiện là bạn cảm ơn riêng họ. Nên nhắc tên người phỏng vấn bạn trong lời chào, xưng hô. Tuyệt đối không được gửi cho một người và CC cho những người còn lại (gửi cho nhiều người cùng lúc). Bạn cũng không nên copy, paste các lá thư cảm ơn mẫu vì rất dễ bị sai sót, khuôn mẫu, và người phỏng vấn cũng không thích nhận được lá thư như vậy. Trong bức thư cảm ơn, hãy thể hiện một cách chân thành và sáng tạo sao cho khi đọc thư người phỏng vấn sẽ nhớ được bạn. Và cũng đừng quên viết lời cảm ơn trân trọng tới quý công ty đã dành thời gian và cơ hội cho bạn.
Nếu bạn có thất bại trong cuộc cạnh tranh "khốc liệt" này thì cũng đừng nản lòng. Quan trọng là từ thất bại đó bạn đã rút ra được kinh nghiệm gì có lợi cho các cuộc phỏng vấn về sau.