Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các chế độ chính sách đối với giáo viên, người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi giáo viên, người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì được hưởng chế độ chính sách gì; giáo viên bị căng thẳng tâm lý khi làm việc có thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp; chế độ thai sản khi sinh con; người làm việc trong môi trường độc hại thì làm gì để bảo vệ sức khỏe...

Ngày 11/10, Báo Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”. Hoạt động này tuyên truyền, phổ biến, cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Ban tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia tham gia buổi Đổi thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách. 
Ban tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia tham gia buổi Đổi thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách. 

Tại buổi đối thoại, cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động đã gửi tới các chuyên gia nhiều câu hỏi về chế độ và chính sách, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bệnh nghề nghiệp, an toàn vệ sinh lao động...

Với câu hỏi về những chế độ chính sách đối với giáo viên, người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp như tuyến giáp, hô hấp hoặc những bệnh hiểm nghèo, TS. Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn cho hay: chế độ chính sách ốm đau đối với người lao động làm việc trong hệ thống Nhà nước thì được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Người lao động làm ở khu vực ngoài Nhà nước, ngoài chế độ chính sách theo quy định của pháp luật thì hai bên (DN và người lao động) có thể thỏa thuận, thương lượng về những chế độ có lợi hơn, nhất là với các bệnh nghề nghiệp hoặc những vấn đề liên quan sức khỏe do môi trường nặng nhọc, độc hại.

Ba chuyên gia trả lời câu hỏi của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động. 
Ba chuyên gia trả lời câu hỏi của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động. 

Trường hợp viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập, khi khám sức khỏe mà phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định về danh mục bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế thì sẽ được nghỉ việc điều trị bệnh và có hưởng chế độ theo quy định:

Khi người lao động nghỉ chữa bệnh trên 14 ngày thì tháng đó sẽ không tham gia đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ cấp ông đau do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả.

Người lao động được nghỉ chữa bệnh trong thời gian tối đa 180 ngày, tính cả thời gian nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hàng tuần và được hưởng 75% bình quân tiền lương tháng liền kề.

Nếu người lao động nghỉ hết 180 ngày nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn được hưởng chế độ ốm đau. Khi đó, mức hưởng chế độ ốm đau sẽ thấp hơn và thời gian hưởng tối đa tính theo thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đó là, người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 15 năm thì được hưởng 50%, từ 15 năm đến dưới 30 năm đóng BHXH thì được hưởng 55% và từ 30 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng 65%.

Khi người lao động quay trở lại làm việc mà sức khỏe không được đảm bảo như trước thì sẽ được cơ quan, đơn vị, DN sắp xếp, bố trí công việc phù hợp.

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cũng cho biết, với những trường hợp giáo viên bị căng thẳng tâm lý trong môi trường làm việc thì chưa thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, đưa ra lời khuyên mọi người khi có dấu hiệu bất thường về tâm lý thì nên đến các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa tâm lý để thăm, khám và điều trị kịp thời.

Đoàn viên công đoàn hỏi chuyên gia về chế độ chính sách đối với giáo viên, người lao động bị mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo. 
Đoàn viên công đoàn hỏi chuyên gia về chế độ chính sách đối với giáo viên, người lao động bị mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo. 

Về chế độ thai sản đối với người lao động khi sinh con, chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cho hay: nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản, tuy nhiên phải thỏa mãn các điều kiện như: đối với mang thai thông thường thì tính từ thời điểm có thai sản quay về trước đã có 6 tháng đóng BHXH. Đối với trường hợp dưỡng thai, người lao động chỉ cần đủ 3 tháng đóng BHXH tính đến thời điểm thai sản. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình tham gia đóng BHXH phải trên 12 tháng và chưa nhận BHXH một lần.

Trước câu hỏi của đoàn viên công đoàn về làm việc trong môi trường độc hại có nhiều bụi và hơi keo thì phải làm gì để bảo vệ đôi mắt nói riêng và sức khỏe nói chung, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga đưa ra lời khuyên: khi người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe, cụ thể là bụi, chất keo thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trang bị kính bảo hộ đảm bảo chất lượng. Để dự phòng bảo vệ đôi mắt thì người lao động sử dụng nước muối sinh lý và dung dịch bổ sung vitamin. Nếu mắt kém và thành bệnh thì người lao động đi khám bác sĩ nhãn khoa để có liệu trình điều trị phù hợp.

Ngoài ra, mọi người phải luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng; coi trọng đi ra ngoài, tiếp xúc với mọi người, tiếp xúc với thiên nhiên và đặc biệt cần dành thời gian tập thể dục sẽ kích thích tiêu tốn năng lượng và chuyển hóa thì ăn ngủ tốt hơn. Khi đó sức đề kháng tốt thì các vấn đề mắt hay sức khỏe của người lao động sẽ đỡ hơn.