KTĐT - Sáng lập viên đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab cho rằng thế giới đang đứng trước một "thực tế mới" là sự chuyển giao quyền lực từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam.
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2011 (Diễn đàn Davos lần thứ 41), diễn ra trong các ngày 26-30/1 ở Thụy Sĩ, các nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra những nhận định và đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn kinh tế hiện nay và tìm hướng đi cho tương lai.
Sáng lập viên đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab cho rằng thế giới đang đứng trước một "thực tế mới" là sự chuyển giao quyền lực từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Những thay đổi mà "thực tế mới" đem lại sẽ quan trọng hơn những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu vừa qua. Chính vì vậy, Diễn đàn Davos 41 cần xác định những thách thức đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực kinh tế.
Hội nghị cũng sẽ phải trả lời câu hỏi kinh tế toàn cầu đang chuyển biến ra sao; đâu là những thay đổi so với thời kỳ tiền khủng hoảng; đồng thời phải "nhận diện" được những rủi ro đe dọa kinh tế toàn cầu, và tìm biện pháp đối phó.
Bên cạnh sự ổn định giá cả trên thị trường nông phẩm, nguyên liệu, ông Schwab còn quan tâm đến những yếu tố như nguồn cung cấp nước ngọt và năng lượng, nạn tham nhũng tràn lan tại một số quốc gia và nguy cơ giảm phát … , những yếu tố cản trở đà phục hồi kinh tế và sự tăng trưởng bền vững trên toàn cầu.
Theo ông Schwab, các cuộc biểu tình gần đây ở Algeria, Ai Cập và Tunisia cho thấy kinh tế sa lầy, cộng thêm vật giá leo thang, và tham nhũng có thể trở thành những "quả bom" nguy hiểm, vì vậy Diễn đàn Davos 41 đặc biệt quan tâm các vấn đề này.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu chưa chấm dứt và có thể làm nảy sinh hiểm họa khủng hoảng xã hội, ông Schwab khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách kinh tế thế giới "không hành động như lính cứu hỏa," quá tập trung lo dập lửa mà quên đi chiến lược phát triển dài lâu. Thay vào đó, họ cần xem xét khả năng hợp tác trong bối cảnh một thực tế mới, trong đó các nước đang phát triển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế toàn cầu.
Bà Chandar Kochlar, Chủ tịch Tập đoàn ngân hàng Ấn Độ ICICI, đồng Chủ tịch Diễn đàn Davos, nhận định các nước công nghiệp phát triển đang trong giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, các quốc gia mới nổi đang đạt tỷ lệ tăng trưởng khá ngoạn mục. Do vậy, Diễn đàn Davos 41 cần phác họa một số "luật chơi" chung, phù hợp với toàn cảnh kinh tế mới của thế giới hiện nay. Theo bà, các chính sách bảo hộ hay thao túng đồng tiền là những yếu tố gây thêm rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Bà kêu gọi các nền kinh tế lớn đẩy mạnh hợp tác và đối thoại để củng cố đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc sẽ đến Diễn đàn Davos 41 trong tư thế “kẻ mạnh” với những câu hỏi: kinh tế thế giới đã có những thay đổi nào sau khủng hoảng tài chính; những thay đổi trong mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc có phù hợp với giai đoạn hậu khủng hoảng hay không; thành quả kinh tế của Trung Quốc đóng góp tới mức nào trong việc đem lại tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu; và đà phục hồi bấp bênh của con tàu kinh tế thế giới đang đặt ra những thách thức nào... ?
Trung thành với chủ trương đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật Bản, ông Yorihiko Kojima chia sẻ quan điểm với bà Kochlar về vấn đề bảo hộ. Theo ông, mối đe dọa đáng quan ngại nhất đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2011 là chiều hướng gia tăng các chính sách bảo hộ. Để tránh được hiểm họa này, thế giới cần đẩy mạnh vai trò của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hướng đến các hiệp định tự do mậu dịch … Ông khẳng định trong lĩnh vực này, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy cỗ xe kinh tế toàn cầu đi lên.
Ông Kojima nhận định với tiềm năng phát triển rất lớn, châu Á trong những năm tới sẽ đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ kinh tế thế giới. Khu vực này vừa là thách thức đối với phần còn lại của thế giới, vừa đang đem lại niềm hy vọng lớn cho cộng đồng quốc tế. Trên cương vị đồng Chủ tịch Diễn đàn Davos 41, ông mong muốn các bên tham dự thảo luận rộng rãi trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng đối với môi trường./.