Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các dấu hiệu suy tim dễ nhận biết

BS Nguyễn Hữu hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suy tim là tình trạng suy yếu hoạt động của cơ tim, khiến tim bơm máu kém hiệu quả. Hội chứng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường tập trung ở người trên 65 tuổi.

Đây cũng là độ tuổi xuất hiện các dấu hiệu lão hóa, suy giảm chức năng các cơ quan nên các triệu chứng suy tim dễ dàng bị bỏ qua.

Dưới đây chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn nhận biết sớm 5 dấu hiệu của suy tim.

5 dấu hiệu cảnh báo sớm

Mệt mỏi, uể oải: Đây là triệu chứng gặp ở hầu hết các bệnh nhân suy tim cho dù là suy tim phải, suy tim trái hay suy tim toàn bộ. Cũng dễ hiểu vì suy tim khiến cho cơ thể không được cung cấp đủ máu và oxy. Điều này dẫn đến mức năng lượng không đủ đáp ứng các hoạt động của cơ thể.
Ban đầu khi mức độ suy tim nhẹ, triệu chứng mệt mỏi chỉ thoáng qua, không thường xuyên, xuất hiện khi người bệnh gắng sức hoặc vào cuối ngày. Nhưng khi mức độ suy tim nặng dần lên, triệu chứng mệt mỏi theo đó cũng trở nên rõ rệt và thường xuyên hơn. Cuối cùng người bệnh cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đang nghỉ.

Tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh tim tại Bệnh viện Quân đội T.Ư 108. Ảnh: Đăng Hải
Tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh tim tại Bệnh viện Quân đội T.Ư 108. Ảnh: Đăng Hải

Hạn chế vận động: Mặc dù không phải tất cả các bệnh nhân suy tim đều phải hạn chế vận động nhưng đây là một trong các triệu chứng cơ năng dùng để phân độ suy tim.

Suy tim độ 1: Không có sự hạn chế vận động. Giai đoạn này người bệnh vẫn có thể vận động thể lực bình thường, không bị khó thở, mệt, hồi hộp.

Suy tim độ 2: Hạn chế mức độ nhẹ các hoạt động thể lực. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể bắt đầu thấy mệt, khó thở khi gắng sức làm việc. Nhưng khi nghỉ ngơi thì người bệnh không còn thấy mệt hay khó thở.

Suy tim độ 3: Hạn chế mức độ nhiều các hoạt động thể lực. Các hoạt động thường nhật như đi chợ, leo cầu thang, tắm giặt… đều dẫn đến mệt mỏi thậm chí khởi phát các cơn khó thở, nhịp tim nhanh. Người bệnh dù nghỉ ngơi nhưng mất rất nhiều thời gian mới khỏe lại.

Suy tim độ 4: Đến lúc này thậm chí nghỉ ngơi người bệnh cũng thấy mệt mỏi, khó thở. Thậm chí người bệnh phải ngủ ở tư thế ngồi, gần như không thể thực hiện hoạt động thể lực nào.

Ứ dịch (ho, thở khò khè): Suy tim khiến cho dịch bị ứ đọng, tích tụ trong phổi dẫn đến thở khò khè, ho dai dẳng. Đây là triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp. Đặc biệt, cơn ho thường xuất hiện với tần suất nhiều hơn vào ban đêm, khi nằm ho nhiều hơn. Ho có thể là ho khan, đờm khó khạc hoặc có thể ho kèm đờm trắng hoặc bọt hồng (dấu hiệu phù phổi cấp).
Phù: Khi tim bị suy yếu, không đủ sức để đẩy máu từ các chi và vùng ngoại biên về tim khiến dịch bị ứ đọng tại vùng ngoại biên. Người bị suy tim hay bị hiện tượng phù những vùng thấp (chi dưới, mắt cá chân, cẳng chân, đùi) và tràn dịch các màng (mảng bụng hay cổ trướng).

Nếu đột nhiên một ngày ngủ dậy, bạn cảm giác mặt bị căng phù, nặng mí mắt, phù bàn chân, quần áo và giày dép bỗng dưng bị chật lại, cơ thể đột ngột tăng cân (tăng hơn 2kg trọng lượng cơ thể trong 3 ngày), hãy cẩn thận vì rất có thể đây là dấu hiệu suy tim.

Khó thở: Cũng giống như triệu chứng hạn chế vận động, khó thở là một trong các triệu chứng dùng để phân loại mức độ suy tim. Dịch ứ đọng tại phổi khiến phổi gặp khó khăn trong việc trao đổi CO2 và O2 để cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ thể, gây thiếu máu tại các mô. Người bệnh cảm giác khó thở, hụt hơi như đang có vật nặng đè nén lên ngực, ngăn không cho mình thở. Tình trạng này có thể xảy ra vào ban đêm khi bạn đang ngủ hay vừa nằm xuống vài phút. Nếu suy tim nặng hơn, khó thở thường trực cả ngày ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.

Một số triệu chứng không điển hình khác

5 dấu hiệu suy tim kể trên không phải dùng để chẩn đoán chính xác bạn bị suy tim, nhưng là 5 triệu chứng giúp bạn dễ nhận ra mình bị suy tim nhất. Ngoài các triệu chứng này, suy tim còn gây ra một số triệu chứng khác như:

Đau ngực: Cảm giác đau tức ngực, nặng ngực như bị đè nén.

Chán ăn: Người bệnh có cảm giác đầy hơi, buồn nôn, nôn, táo bón và đau bụng trên.

Đau đầu, chóng mặt, cảm giác liêng biêng.

Lo lắng, bất an về điều gì đó không rõ ràng.

Tim đập nhanh: Người bị suy tim thường có nhịp tim nhanh hơn, tim đập như đánh trống ngực, cảm giác như đang chạy hoặc đập dồn dập.
Cần làm gì khi có dấu hiệu suy tim?

Khi nghi ngờ mình mắc suy tim, điều đầu tiên bạn cần làm là đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện siêu âm tim, điện tâm đồ ECG, X-quang ngực, định lượng BNP hoặc NT-ProBNP… để xác định chính xác bạn có bị suy tim hay không và mức độ suy tim như thế nào. Cũng dựa trên các kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bạn.

Đa phần người bệnh suy tim sẽ được điều trị tại nhà bằng thuốc kết hợp với các phương pháp hỗ trợ khác như điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện, thói quen sinh hoạt… Mục tiêu là giúp người bệnh: Giảm thiểu triệu chứng suy tim như khó thở, đau ngực, mệt mỏi…; ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện điều trị vì suy tim tiến triển; kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Hiệp hội Suy tim Mỹ mô tả một cách ngắn gọn các triệu chứng cơ bản của suy tim bằng công thức FACES:
F (Fatigue): Mệt mỏi, uể oải.
A (Activity limitation): Hạn chế vận động.
C (Congestion): Ứ dịch (ho, thở khò khè).
E (Edema or ankle swelling): Phù.
S (Shortness of breath): Khó thở.