[Các dịch vụ “lên ngôi” nhờ dịch Covid-19] Bài cuối: Thời của giáo dục 4.0

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu học trực tuyến tăng cao thời đại dịch đang mở ra “cơ hội vàng” cho các đơn vị kinh doanh nền tảng học trực tuyến trong nước.

 Học sinh học trực tuyến trên kênh HTV. Ảnh: Trương Diệp
Nở rộ học trực tuyến
Nhằm đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, TP đã bắt buộc phải cho học sinh, sinh viên nghỉ học để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, làm sao để con em mình vẫn thu nhận được kiến thức, bảo đảm chương trình học nhưng lại an toàn là vấn đề được các bậc phụ huynh cũng như toàn ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Và câu trả lời là giáo dục trực tuyến.
Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước khi nhanh chóng đưa cách học từ xa này vào ứng dụng thực tế giữa lúc dịch Covid-19 đang cao điểm. Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình các môn học năm học 2019 – 2020 dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 từ ngày 9/3. Tới hiện tại, mô hình này đã được nhân rộng tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng …
Không chỉ vậy, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường Tiểu học, THCS, THPT và cả đại học cũng đều triển khai giáo dục trực tuyến cho học sinh, sinh viên của mình. Với sự hỗ trợ của những phần mềm làm việc nhóm như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet… hay những ứng dụng phụ trợ như Zalo, Viber… việc tổ chức một lớp học trực tuyến là rất dễ dàng và tiện lợi. Đáng chú ý, học sinh, sinh viên hoàn toàn có thể xem lại những buổi học như thế này vào một thời gian khác bởi chúng đều được ghi lại và lưu trữ trực tuyến.
Không nằm ngoài xu thế, các cơ sở giáo dục khác như trung tâm tiếng Anh, nhạc họa… cũng đã chuyển đổi việc học lên môi trường trực tuyến nhằm đáp ứng tình hình thực tế. Đây cũng là phương thức để các mô hình giáo dục dạng này giảm tải những thiệt hại về kinh tế do Covid-19 mang lại, đồng thời cũng là cơ hội để tạo nền tảng cho thói quen học trực tuyến ở hiện tại và cả trong tương lai.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Theo một khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Ken Research, trong giai đoạn 2013 - 2018, thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ kép lên tới hai chữ số. Đồng thời dự báo tới năm 2023, cùng với số lượng người dùng internet tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng của mô hình học online có thể vượt qua mốc 23%/năm.
Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở nếu biết số lượng người dùng internet ở Việt Nam đang tăng mạnh ở mức hàng đầu châu Á. Đi đôi với đó việc Việt Nam tập trung phát triển 4G, 5G, IoT cũng là cơ hội cực kỳ thuận lợi cho giáo dục trực tuyến phát triển vượt bậc. Có thể nói, Covid-19 chính là “cơ hội vàng” để các nền tảng giáo dục trực tuyến như ViettelStudy, VNPT E-learning, Hocmai … “thay da đổi thịt” cũng như đạt tới một tầm cao mới khi đại dịch này đi qua.
Để nắm bắt cơ hội trên, Viettel đã mau chóng đưa ra một loạt giải pháp nhằm thu hút người dùng cho mạng xã hội học tập Viettel Study của mình. Có thể kể đến như miễn phí cước data cho thầy cô và học sinh thông qua Sim 3G/4G Viettel khi giảng dạy và học tập trên Viettel Study. Giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau theo lựa chọn, được chia sẻ tài nguyên không giới hạn… Đi cùng với đó, nền tảng này cũng được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến cũng như đội ngũ kỹ thuật cao giúp việc dạy và học thông suốt không bị gián đoạn.
Nhờ các ưu điểm trên nên ViettelStudy đã có tăng trưởng đột biến trong mùa Covid-19. Chỉ đúng một tháng sau khi đẩy mạnh thu hút người dùng, giải pháp học trực tuyến này đã được áp dụng tại gần 26.000 trường trên cả nước với gần 29.000 bài học được tạo mới cùng lượt truy cập lên đến 41 triệu.
Tương tự, dịch vụ học trực tuyến VNPT E-learning của VNPT cũng có những bước tăng trưởng vượt bậc trong những tháng vừa qua. Nhờ việc miễn phí toàn bộ dịch vụ, tính từ đầu tháng 2/2020 đến hiện tại đã có hơn 11.000 trường triển khai nền tảng này, qua đó nâng tổng số tài khoản giáo viên tham gia là hơn 425.000 và tài khoản học sinh là hơn 5 triệu với gần 320.000 bài giảng.
Với việc VNPT E-learning sử dụng mô hình điện toán đám mây, thầy cô giáo có thể dễ dàng khởi tạo các buổi học một cách dễ dàng mà không cần bất cứ phần mềm gì khác, từ đó đưa lên các bài giảng thuận lợi để thực hiện học online. Thông qua nền tảng này, giao và chấm điểm bài kiểm tra cho học sinh cũng có thể thực hiện rất thuận tiện. Học sinh cũng có thể học mọi nơi, mọi lúc trên các thiết bị từ máy tính cho đến điện thoại thông minh, máy tính bảng...
Duy trì sự ổn định của hệ thống học trực tuyến, đa dạng thêm các tính năng hỗ trợ việc dạy và học cũng như tập trung vào miễn phí dịch vụ là những phương thức mà các DN giáo dục online nên tập trung khai thác. Bỏ qua doanh thu trong giai đoạn này sẽ giúp mang lại số doanh thu lớn hơn khi dịch Covid-19 kết thúc, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Đánh giá về cơ hội của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, một chuyên gia trong ngành cho rằng, thời điểm học sinh, sinh viên phải nghỉ học chính là “thời cơ vàng” để các nền tảng học tập online phát triển bứt phá. Với con số lên tới gần 18 triệu học sinh phổ thông, có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh, đây chính là “mỏ vàng” cần khai thác và nếu tận dụng tốt giai đoạn này, các nền tảng giáo dục trực tuyến sẽ có cơ hội thay đổi đáng kể thói quen học tập chuyển từ offline sang online.