Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các đô thị trên thế giới quy hoạch bãi đỗ xe theo mục tiêu khác nhau

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đô thị lớn trên thế giới ngày càng quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý bãi đỗ xe, triển khai nhiều biện pháp hạn chế tình trạng đỗ xe trái phép, cản trở phương tiện lưu thông cũng như tạo thêm nhiều không gian công cộng hơn.

Bắc Kinh thúc đẩy quy hoạch bãi đỗ xe trong nhiều năm

Quy hoạch, xây dựng và phát triển bãi đỗ xe luôn là một trong những vấn đề được Bắc Kinh, Trung Quốc, quan tâm nhằm giải quyết tình trạng tràn lan các bãi đỗ xe trái phép, khiến không gian sống, sinh hoạt bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc di chuyển, lưu thông các phương tiện.

Kể từ năm 2014, Viện Giao thông và Vận tải Trung Quốc cùng với Ủy ban Giao thông Vận tải TP Bắc Kinh đã đề xuất cải cách bãi đỗ xe trên toàn TP, hướng đến việc xây dựng các bãi đỗ xe phù hợp với tiêu chuẩn, hạn chế tác động đến môi trường xung quanh. Trong nhiều năm, chính quyền đã loại bỏ bãi đỗ xe miễn phí, tăng cường triển khai hệ thống quản lý khoa học cũng như khuyến khích người lái xe tận dụng chỗ đỗ xe trống ngoài đường.

Vào năm 2019, TP triển khai 84.000 chỗ đỗ xe trả phí trên hơn 900 con đường khắp trung tâm Bắc Kinh. Các bãi đỗ xe giờ đây đã được phân định ranh giới rõ ràng bằng cọc nhằm tránh tình trạng đỗ xe trái phép.

Giống như nhiều TP trên khắp cả nước, quy định bãi đỗ xe tối thiểu - yêu cầu mỗi khu thương mại, nhà ở phải có một bãi đỗ xe bất chấp điều kiện về không gian - đã từng khiến cho Bắc Kinh tràn ngập các bãi đỗ xe, ảnh hưởng đến không gian công cộng. Nhằm giải quyết tình trạng này, vào năm 2021, chính quyền TP đã tiến hành bãi bỏ quy định trên đối với các khu dân cư nằm ở khu vực trung tâm, tuy nhiên vẫn duy trì nó ở một số khu vực ngoại thành.

Các đô thị lớn trên thế giới thúc đẩy quy hoạch bãi đỗ xe. Ảnh: Getty image
Các đô thị lớn trên thế giới thúc đẩy quy hoạch bãi đỗ xe. Ảnh: Getty image

Thủ đô của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các chương trình chia sẻ bãi đỗ xe nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bãi đỗ xe cũng như tận dụng tối đa không gian xung quanh. Theo chương trình này, các bãi đỗ xe chung dành cho nhiều đối tượng, từ cư dân của tòa nhà chung cư, khách hàng của trung tâm thương mại đến nhân viên của công ty, đã được tạo ra.

Kể từ năm 2020, Bắc Kinh đã có khoảng 28.000 bãi đỗ xe chung. Ủy ban Giao thông Vận tải TP Bắc Kinh cho biết phần lớn các điểm đỗ xe chia sẻ này nằm ở các khu vực trung tâm của TP, những nơi có nhiều trung tâm thương mại, trường học bệnh viện, khu dân cư.

Ngoài ra, để giảm áp lực đối với các khu chung cư đã có thời gian xây dựng khá lâu, không thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của cư dân, nhiều bãi đỗ xe thông minh, nhiều tầng, tích hợp hệ thống giàn nâng... đã được chính quyền Bắc Kinh chấp thuận cho xây dựng ngay cạnh nhiều khu dân cư đông. Đây cũng được xem là biện pháp giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm chỗ đỗ xe.

Các đô thị lớn tại châu Âu giảm không gian dành cho bãi đỗ xe

Các TP tại châu Âu cũng thực hiện quy hoạch bãi đỗ xe theo hướng giảm không gian dành cho bãi đỗ xe ô tô, khuyến khích sử dụng phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường.

Là một trong những địa phương hướng đến việc hạn chế sử dụng xe ô tô do xem đây là nguồn gây ô nhiễm chính, Thủ đô Amsterdam, Hà Lan, đã tăng cường các bãi đỗ xe trả phí ở khắp các nơi. Điều này đã góp phần giảm 20% tình trạng tắc nghẽn giao thông trong nội thành.

Ngoài ra, TP cũng đặt ra quy định đối với những công dân muốn có chỗ đỗ xe riêng, như phải xin giấy phép với giá khá cao (tối thiểu là 270 euro), mua lại các chỗ đỗ xe hoặc thuê chỗ riêng trong các bãi đỗ. Trong suốt hơn 40 năm, Amsterdam đã nỗ lực biến các bãi đỗ xe ô tô thành các không gian công cộng, như: nơi vui chơi cho trẻ em, không gian dành cho người đi bộ và người đi xe đạp.

Kể từ năm 2003, Paris đã giảm bãi đỗ xe, đồng thời chuyển bãi đỗ xe miễn phí thành bãi đỗ xe trả phí. Kể từ đó, nhiều bãi đỗ xe máy đã được chuyển đổi thành bãi đỗ xe đạp, bãi đỗ xe dành cho người khuyết tật và làn đường dành cho xe điện. Vào cuối năm 2020, thủ đô nước Pháp đã loại bỏ 70.000 điểm đỗ xe để tạo thêm không gian trên những con phố đông đúc, chật hẹp.

Ngay những năm 1990, Berlin đã bãi bỏ quy định xe tối thiểu, trừ chỗ đỗ xe dành cho người khuyết tật và xe đạp. Việc bãi bỏ quy định về đỗ xe ngoài đường đã giúp TP thu hẹp số lượng bãi đỗ xe trên đường cũng như tạo điều kiện cho công tác quản lý.

Ngoài ra, TP phát triển các bãi đỗ xe thông minh với công nghệ tiên tiến nhằm vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu đỗ xe ngày càng tăng của người dân, vừa tiết kiệm được diện tích đất.

Thủ đô Brussels (Bỉ) tập trung quy hoạch các bãi đỗ xe theo hướng mở rộng diện tích quỹ đất và thúc đẩy các phương tiện vận chuyển bền vững. Năm 2020, TP này đã công bố một loạt cải cách đối với bãi đỗ xe, như điều chỉnh giá đối với bãi đỗ xe ở các khu vực khác nhau, giảm số lượng bãi đỗ xe ở khu vực công cộng và khuyến khích sử dụng xe hybrid, xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường.

Các đô thị lớn tại châu Mỹ bỏ dần quy định bãi đỗ xe tối thiểu

Không chỉ tại châu Âu, các TP lớn ở châu Mỹ cũng dần bỏ quy định bãi đỗ xe tối thiểu nhằm tạo ra nhiều không gian công cộng hơn.

Trong năm 2017 - 2018, TP Mexico đã bãi bỏ các quy định về bãi đỗ xe tối thiểu - một khu vực phải có một bãi đỗ xe và thay thế bằng quy định về bãi đậu xe tối đa - không được phép xây dựng bãi đỗ xe vượt quá giới hạn quy định.

Theo quy định mới, các công ty phải trả phí nếu họ xây dựng vượt quá 50% số bãi đỗ xe tối đa được phép. Phí này chỉ áp dụng cho trung tâm TP, nơi có nhiều phương tiện giao thông công cộng. Các khoản phí thu được sẽ được sử dụng để cải thiện giao thông công cộng nói chung trong TP.

TP Sao Paulo, Brazil, đã thông qua cải cách bãi đỗ xe trong Kế hoạch tổng thể chiến lược năm 2014. Theo đó, chính quyền địa phương đã bãi bỏ quy định tối thiểu đối với bãi đỗ xe và cho phép các nhà phát triển có thể xây dựng các bãi đỗ xe khi cảm thấy cần thiết.

Quy định bãi đỗ xe tối đa cũng được áp dụng trong khu vực có nhiều phương tiện giao thông công cộng di chuyển nhằm khuyến khích sử dụng nhiều hơn phương tiện giao thông này và hạn chế việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân. TP tạo ra nhiều không gian hơn cho người đi bộ và đạp xe.

Vào năm 2019, Thủ đô Rio de Janeiro (Brazil) đã thông qua các quy định cải cách bãi đỗ xe, trong đó hạn chế áp dụng quy định bãi đỗ xe tối thiểu đối với các khu vực có lưu lượng giao thông cao. TP đã áp đặt quy định bãi đỗ xe tối đa với việc buộc các công ty xây dựng bãi đỗ xe vượt quá giới hạn cho phép phải trả thêm phí.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng hạn chế việc xây dựng chỗ đỗ xe trên phố và cho phép chuyển đổi các khu vực đỗ xe hiện có sang mục đích sử dụng khác.