Trước đó, qua thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện ngoài mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung kế hoạch.
Qua hoạt động thanh tra cũng cho thấy, trước khi tuyển dụng, đơn vị sử dụng lao động thông báo cho người lao động (trong thư mời làm việc) các khoản thu nhập gồm có mức lương theo chức danh công việc (lương cơ bản) và khoản bổ sung kế hoạch.
Tuy nhiên khi người sử dụng lao động và người lao động ký hợp đồng lao động thì thỏa thuận mức lương bằng với mức lương theo chức danh công việc tại thư mời làm việc và không ghi khoản bổ sung kế hoạch. Đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động căn cứ vào mức lương theo chức danh công việc trên hợp đồng lao động.
Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH cho ý kiến khoản bổ sung kế hoạch có phải tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định?
Về nội dung này, Bộ LĐTB&XH phản hồi: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác là những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động. Khi hai bên thỏa thuận giao kết hợp đồng lao động thì mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận phải được ghi đầy đủ trong hợp đồng lao động
Trường hợp người lao động không ghi đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, Điều 9, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Từ ngày 1/1/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung được quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con. Cụ thể:
Mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả lương thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện nay mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động nhận được. Điều này thể hiện rõ ở năm 2022, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.