Các nghệ sĩ hãy dừng quảng cáo tràn lan

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân không lạ gì những hình ảnh quảng cáo thuốc, liệu pháp chữa bệnh của các nghệ sĩ nổi tiếng.


Ngoài ra, trên mạng xã hội tràn lan những quảng cáo giả danh, mượn hình ảnh của nghệ sĩ để thổi phồng công dụng các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường, tim mạch, sức khỏe tình dục...

Những quảng cáo này, cùng với những quảng cáo tạm gọi là có thực ở trên các phương tiện truyền thông chính thống tạo nên một “cái chợ” quảng cáo bát nháo, hỗn loạn.

Trên báo chí mới đây, nhân chuyện các nghệ sĩ có tham gia quảng cáo chữa béo bụng, nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc sân khấu kịch Idecaf) bày tỏ:

“Thật sự hiện tại tôi bị ngộp vì cứ xem trên mạng thấy nghệ sĩ quảng cáo tràn lan với những thông tin mà mình cảm thấy khó tin quá. Đáng buồn hơn là có cả những nghệ sĩ tên tuổi, nghệ sĩ kỳ cựu. Họ nhận quảng cáo bất chấp, tôi thật sự hốt hoảng khi nghe một nữ nghệ sĩ quảng cáo cả thuốc... kích dục. Đừng nói "ngây thơ" rằng do tôi không biết hiệu quả ra sao nên mới nhận quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật”.

Với tài diễn xuất của mình, nghệ sĩ thường giúp câu chuyện quảng cáo trở nên tự nhiên hơn, thuyết phục người xem, người nghe hơn.

Bên cạnh đó, người xem vì vốn mến mộ nghệ sĩ nên dễ dàng tin vào lời quảng cáo và chi tiền mua thuốc chữa bệnh (đôi khi chỉ là thực phẩm chức năng) và những liệu pháp chữa bệnh thần kỳ khác.

Rất nhiều người đã bỏ tiền ra mua thuốc trên mạng để rồi tiền mất, tật vẫn mang.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, một bệnh nhân đang điều trị tiểu đường bình thường sức khỏe ổn định đã nghe lời quảng cáo và bỏ thuốc của bệnh viện cho đi uống thuốc mới. Sau một thời gian, bệnh nhân này nhiễm toan ceton máu nặng, phải vào bệnh viện cấp cứu, may vẫn giữ được tính mạng.

Một bác sĩ làm việc tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bệnh tật của mỗi người một khác nhau dù triệu chứng có vẻ giống nhau. Do đó, khi có bệnh tật, người dân nên đi khám ở các cơ sở y tế có uy tín, chính thống để được chẩn đoán và tư vấn điều trị”.

Vị này khuyến cáo thêm, các nghệ sĩ cần cẩn trọng khi quảng cáo thuốc hay liệu pháp điều trị. Hãy coi công chúng, khán - thính giả như người trong gia đình mình, để từ đó cẩn trọng cho những hành động của mình.

Là người dân, cũng là khán - thính giả, chúng tôi cũng từng hụt hẫng vì những quảng cáo thổi phồng của nghệ sĩ mình từng yêu mến và tin tưởng.

Thậm chí, có nghệ sĩ quảng cáo trá hình cho những kẻ làm ăn không trung thực, bằng cách làm những buổi quay phim, truyền hình trực tiếp với kẻ ấy.

Khi “màn kịch bán hàng gian dối” vở lỡ, nghệ sĩ đó vẫn lên tiếng cho mình là “chân chính”, không tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng này nọ...

Chúng tôi mong, trước hết, nhưng nghệ sĩ hãy gìn giữ hình ảnh của mình, khi quảng cáo cần tìm hiểu được sản phẩm có trung thực hay không.

Thứ đến, mong người dân khi có nhu cầu dùng thuốc, hay các liệu pháp điều trị, không nên tin lời rao trôi nổi trên mạng xã hội.

Cũng đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài mạnh tay hơn nữa các trò gian lận trong quảng cáo, những người tham gia quảng không đúng sự thực, kể cả nghệ sĩ dù họ nổi tiếng.

Đọc tiếp