Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nhà giáo dồn tâm huyết tạo nên diện mạo mới cho ngôi trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Ngôi trường sáng-xanh- sạch-đẹp-an toàn là mong muốn của tất cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Coi trường học là ngôi nhà thứ hai nên ngoài chú trọng chuyên môn, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã nỗ lực cải tạo cảnh quan, mang đến diện mạo mới cho trường mà không dùng ngân sách.

Mô hình “Vườn xanh 0 đồng

Trường Mầm non Đa Sỹ, quận Hà Đông đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát mạnh mẽ, trường học phải đóng cửa suốt thời gian dài. 15/4/2022, sau chuỗi ngày ngóng đợi, các cô giáo mới được đón lứa học trò đầu tiên.

Học sinh Trường Mầm non Đa Sỹ trải nghiệm, học tập tại Vườn xanh 0 đồng của trường
Học sinh Trường Mầm non Đa Sỹ trải nghiệm, học tập tại Vườn xanh 0 đồng 

Với mong muốn tận dụng không gian có sẵn của nhà trường để xây dựng mô hình vườn trường cho các bé thực hành trải nghiệm, cô Hiệu trưởng Trịnh Thùy Linh đã chủ động xây dựng kế hoạch Mô hình “Vườn xanh 0 đồng” và công khai với toàn thể giáo viên, phụ huynh ngay từ đầu năm học. Trân quý tâm huyết của cô Linh cùng ý nghĩa tốt đẹp mà vườn trường mang lại, 100% phụ huynh nhà trường đã tham gia ủng hộ.

Trước đây, sau mỗi dịp Tết, cây hoa, cây đào, cây quất sẽ được các gia đình vứt bỏ thì nay, nhà trường xin các cây này đến trồng ở vườn. Việc xin ủng hộ diễn ra đúng thời điểm - khi các gia đình có sẵn nên ai cũng nhiệt tình chở cây đến, góp công, góp sức trồng cây.

Để chủng loại cây được phong phú, đa dạng và phủ xanh ngôi trường mới nhanh nhất, cô Linh đăng bài về kế hoạch vườn trường lên các hội nhóm của địa phương cùng các kênh truyền thông để xin ủng hộ. Các cô giáo cũng canh tác, trồng xen kẽ một số luống rau củ. Kết quả, vườn Trường Mầm non Đa Sỹ được phụ huynh ủng hộ rất nhiều cây xanh.

Chung tay bảo vệ môi trường, giảm chi phí, tạo không gian an toàn, sạch đẹp cho học sinh, nhà trường triển khai làm phân hữu cơ từ rác thải nhà bếp, đó là những cọng rau, vỏ trứng, vỏ dưa hấu, vỏ chuối… Nước tưới cây cũng tận dụng nước rửa rau, nước vo gạo, nước tráng bình sữa, nước mát từ điều hoà…

Chưa dừng lại, cô Linh còn xin phụ huynh ủng hộ các thùng sơn vào dịp gần tết khi nhiều gia đình sơn sửa nhà xong. Các thùng sơn được đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường rửa sạch, dán đề can bao quanh có hình ảnh và thông điệp bảo vệ môi trường.

“Các thùng sơn thay thế cho những chậu sành sứ dễ vỡ, thân thiện, hiệu quả cao mà không hề tốn kém, sau đó được trồng cây Hạnh phúc đồng bộ trên hành lang. Chỉ sau thời gian ngắn, không gian xung quanh Trường Mầm non Đa Sỹ đã phủ một màu xanh tươi mát, là nơi cho cô trò thư giãn, trải nghiệm, đưa những bài học khám phá từ vườn trường cho các bé và quan trọng nhất là chỉ với 0 đồng”, cô Trịnh Thùy Linh hào hứng cho biết.

Xanh hóa xi măng, tường gạch

Cũng mới thành lập, Trường Tiểu học Quang Trung, huyện Gia lâm từng gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cũng như cơ sở vật chất. Mong muốn ngôi trường đẹp hơn hàng ngày, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Đông tích cực đổi mới, sáng tạo trong việc xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn - khang trang - hiện đại. 

Các nhà giáo dồn tâm huyết tạo nên diện mạo mới cho ngôi trường - Ảnh 1
Các nhà giáo nhận Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2023: Khuất Thị Hồng Điệp, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Đông và Trịnh Thùy Linh
Các nhà giáo nhận Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2023: Khuất Thị Hồng Điệp, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Đông và Trịnh Thùy Linh

Trường có hơn 3000 m2 đất bị bỏ trống, trường chưa có cây xanh, bóng mát, gạch đá, xi măng còn ngổn ngang... Bằng sự nhiệt huyết cùng tư duy đổi mới, cô Đông đã làm tốt công tác xã hội hoá và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh. Các khoảng đất trống giờ đây đã được khoác trên mình màu xanh mượt mà của cây cối, trên sân trường rợp mát bóng cây, hoa nở bốn mùa rực rỡ. Dãy lớp học cũng được sắp xếp, trang trí cây xanh tạo không gian sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đặc biệt hơn, Trường Tiểu học Quang Trung đã đạt giải Nhất cuộc thi “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn” do UBND huyện Gia Lâm tổ chức.

Trong vai trò Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, cô Khuất Thị Hồng Điệp luôn quan tâm công tác xây dựng khuôn viên nhà trường.

“Để trang trí cảnh quan trường lớp, nếu từ nguồn kinh phí ngân sách thì rất đơn giản. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng kinh phí hạn hẹp, việc xã hội hóa về vật chất với địa phương thuần nông như Ngọc Tảo còn khó khăn; vì vậy tôi đã tận dụng nguồn nhân lực sẵn có một cách phù hợp, hiệu quả, đó là qua đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ công sức của các nhân lực trên, đến nay, nhà trường đã có một khuôn viên thực sự sáng – xanh - sạch - đẹp - thân thiện”, cô Điệp chia sẻ.

Theo cô Điệp, thông qua các hoạt động như trồng cây, chăm sóc công trình măng non, vẽ tranh, tự tay trang trí lớp học, các học sinh không chỉ góp phần chỉnh trang khuôn viên mà còn được trải nghiệm, học tập, vận dụng những điều đã học vào cuộc sống; từ đó giáo dục các em tinh thần trách nhiệm, yêu lao động, sự sáng tạo, phát triển các phẩm chất năng lực của học sinh.

Quanh công tác xã hội hóa để thay đổi diện mạo nhà trường, ngành giáo dục Hà Nội cũng đánh giá cao cô Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức. 5 năm qua, cô tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đóng góp cho nhà trường gần 700 triệu đồng; từ đây cảnh quan sư phạm của nhà trường ngày càng sạch đẹp.

Đưa con đến trường buổi sớm mai, nhìn con được học tập, vui chơi trong ngôi trường mới đẹp, rợp bóng cây xanh, các phụ huynh đều bày tỏ sự yên tâm và tự hào về nơi con học. Với nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, các nhà giáo kể trên đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2023 do Sở GD&ĐT phối hợp công đoàn ngành tổ chức