KTĐT - Nguồn cung vàng trên trái đất là hữu hạn và việc khai thác kim loại quý này ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ khiến cung ngày càng khó bắt kịp so với cầu, nhất là khi các quốc gia sản xuất vàng hàng đầu đang cạn kiệt dần tài nguyên.
Giá vàng thế giới đang thỏa sức “nhảy múa” mặc cho sự lo ngại của người dân trên toàn thế giới. Tuy vậy, theo giới phân tích, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá vàng sẽ sớm hạ nhiệt bởi thị trường này đang có ít nhất 10 yếu tố hỗ trợ.
Trong vòng 10 năm qua giá vàng thế giới tăng gấp 5 lần (so với mức 251 USD một ounce hồi tháng 9/1999) và đang ở mức cao nhất mọi thời đại - 1.410 USD trong ngày 9/11.
Nguồn cung hạn chế
Nguồn cung vàng trên trái đất là hữu hạn và việc khai thác kim loại quý này ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ khiến cung ngày càng khó bắt kịp so với cầu, nhất là khi các quốc gia sản xuất vàng hàng đầu đang cạn kiệt dần tài nguyên.
Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2008, GFMS tính toán rằng, sản lượng vàng trên toàn cầu giảm 0,8%. Dự báo tình hình sản xuất vàng sẽ vẫn trì trệ trong vài năm tới bởi sản lượng từ các mỏ cũ hết và chưa tìm được nguồn mới thay thế. Các nước sản xuất vàng lớn như Nam Phi và Mali gặp nhiều trục trặc trong khai thác vàng. Sản lượng của các nước Tây Phi giảm 9% trong năm 2007.
Khi nhu cầu ngày một tăng, chênh lệch cung - cầu ngày một lớn. Ước tính tổng khối lượng vàng dự trữ qua chế biến của thế giới hiện ở mức 160.000 tấn. Mỗi năm lại có thêm 2.400 tấn nữa được bổ sung, tương đương với mức tăng 1,7% - thấp hơn nhiều so với mức tăng của cầu.
Làn sóng ‘gom’ vàng của các quỹ đầu tư
Số liệu thống kê cho thấy, Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust mua vàng nhiều hơn bán ra. Cụ thể, từ đầu tháng 9 đến ngày 9/11, khi giá vàng vượt "đỉnh" 1.400 USD một ounce, SPDR Gold Trust bán ra 14,4 tấn vàng trong khi mua vào 17,3 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên mức kỷ lục 1.305,7 tấn. Theo giới phân tích, động thái này của SPDR Gold Trust có tác động rất lớn và thường dẫn dắt thị trường vàng bùng nổ.
Ngân hàng trung ương các nước cũng ‘ôm’ vàng
Ngân hàng trung ương thường là “kho” vàng của toàn thế giới và thường xuyên sử dụng lượng vàng khổng lồ trong kho để điều tiết thị trường, qua đó giữ giá vàng ở mức không quá “nóng”. Tuy nhiên, trong bối cảnh bão giá kéo dài, lượng dự trữ của họ cũng dần cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn cung ngày càng hạn hẹp.
Do đó, về mặt lý thuyết, cách duy nhất các ngân hàng trung ương có thể làm là mặc giá vàng leo thang theo đúng quy luật cung - cầu của thị trường.
Tuy nhiên, thay vì “ngồi yên”, không ít ngân hàng trung ương cũng hòa chung không khí “gom” vàng của các quỹ đầu tư bằng cách đa dạng dự trữ bằng vàng do lo ngại cho sự an nguy của nền kinh tế của nước mình. Động thái này vô hình chung lại đẩy giá vàng lên cao hơn, đi ngược lại với nhiệm vụ ban đầu của các ngân hàng.
Yếu tố Ấn Độ
Giá vàng từ lâu cũng chịu tác động bởi thị trường Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Dự báo của các quỹ tài chính lớn cho thấy, nhu cầu vàng tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu suy giảm bởi không chỉ mua vàng để làm trang sức, người dân nước này giờ đây bắt đầu thói quen đầu tư dài hạn vào vàng.
Một nghiên cứu từ Commerzbank cho biết nhu cầu vàng trang sức Ấn Độ có thể tăng mạnh ngay cả khi giá vàng tiến đến mức cao lịch sử. Các phân tích gia dự kiến nhập khẩu vàng Ấn Độ trong tháng 10 này có thể tăng 40 tấn và lượng vàng nhập cả năm nay có thể đạt đến mức 340 tấn của năm ngoái
Ẩn số Trung Quốc
Trung Quốc cũng trở thành nhân tố không thể thiếu của thị trường vàng. Trong 5 năm qua, Bắc Kinh không ngừng gia tăng lượng dự trữ vàng, nâng tổng khối lượng nắm giữ từ 600 tấn lên 1.054 tấn.
Theo giới chuyên gia, nước này còn tiếp tục tăng lượng vàng dự trữ với hy vọng thế giới sẽ chấp nhận đồng nhân dân tệ sẽ thay thế USD làm đồng tiền thanh toán quốc tế.
Trong khi đó, Chính phủ nước này cũng khích lệ người dân đẩy mạnh mua vàng nhằm “nhả” nhân dân tệ ra thị trường, góp phần hạ giá đồng tiền nội tệ, kích thích xuất khẩu. Giới phân tích khẳng định, “nước cờ cao tay” với đầy ẩn ý này chắc chắn sẽ được Trung Quốc tận dụng triệt để. Nếu điều đó xảy ra, tương lai giá vàng liên tục “phá đỉnh” là hoàn toàn khó tránh.
Lạm phát và giảm phát
Thời gian gần đây, dư luận không còn lo lắng về lạm phát mà lại lo ngại giảm phát. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dù nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát hay giảm phát thì giá vàng vẫn tiếp tục tăng. Vàng không giúp bất kỳ quốc gia nào chống lại lạm phát hay giảm phát, song nó luôn là thứ tài sản an toàn nhất khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn.
USD mất giá
Khi khủng toàn toàn cầu nổ ra, nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ và hàng nghìn tỷ USD được bơm ra thị trường để giúp nền kinh tế chống lại nguy cơ suy thoái. Hệ quả kéo theo là áp lực lạm phát gia tăng, niềm tin của người dân vào đồng tiền giấy với vai trò là một khoản cất trữ có giá trị bị sụt giảm, khiến họ lại tăng cường mua vàng để bảo đảm tài sản của mình.
Cụ thể, thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục hỗ trợ kinh tế Mỹ bằng cách gia tăng chính sách “nới lỏng có định lượng” khiến đồng USD giảm mạnh so với hầu hết các đồng tiền chính. Trong quý III/2010 vừa qua, đồng USD hạ giá 9,9% so với đồng euro đồng thời rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua so với đồng tiền này và đang hướng tới quý giảm giá mạnh so với các loại tiền tệ lớn khác.
Bài toán nợ công
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu với các nạn nhân đầu tiên là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Italy chất gánh nặng lên đồng euro và làm suy giảm lòng tin đối với hệ thống ngân hàng châu Âu. Các nhà đầu tư tìm đến vàng như một điểm trú chân trong cơn bão tài chính ở châu Âu.
Bất ổn chính trị gia tăng
Một nhân tố khác ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vàng là sự gia tăng của tình trạng bất ổn chính trị. Thế giới đang lún sâu vào nhiều cuộc xung đột hay mâu thuẫn tiềm tàng hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Hệ quả là thị trường vàng tiếp tục “hưng phấn” bởi theo chuyên gia phân tích vàng Jon Nadler, mặt hàng này có truyền thống là hàn thử biểu cho các mức độ căng thẳng về địa chính trị trên thế giới”.
Yếu tố văn hóa
Văn hóa cũng góp phần vào đà tăng giá không ngừng trong suốt 10 năm qua của vàng. Cụm từ “quý như vàng” phổ biến trong rất nhiều ngôn ngữ. Giới phân tích chỉ ra rằng, vàng không phải kim loại quý hiếm nhất nhưng vẫn “lên ngôi” trong các cuộc khủng hoảng vì nó khống chế được tâm lý của người dân. Đối với nhiều người dân trên toàn thế giới, tăng cường tích trữ vàng, họ sẽ có cảm giác an toàn hơn. Trong khi đó, dù bạch kim quý hiếm hơn vàng nhưng rất khó để tìm thấy mỏ bạch kim nào lớn trên thế giới và giá bạch kim cũng rất ít khi biến động bởi nhu cầu có hạn.