Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước chú trọng phát triển hệ thống xe buýt công cộng

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản lý và phát triển hệ thống xe buýt luôn là trọng tâm trong chính sách phát triển giao thông của nhiều quốc gia nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động từ biến đổi khí hậu...

Singapore xây dựng mạng lưới xe buýt rộng khắp

Mạng lưới xe buýt bao phủ khắp Singapore đang giữ vai trò xương sống trong hệ thống giao thông công cộng của nước này, giúp người dân có thể di chuyển thuận lợi đến những khu vực xa nhất.

Chính phủ Singapore luôn xem việc xây dựng hệ thống xe buýt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển giao thông. Tính đến tháng 5/2022, cả quốc đảo có khoảng 5.800 xe buýt với độ tuổi trung bình lên đến 8 năm. Năm 2023, hệ thống xe buýt phục vụ trung bình khoảng 3,75 triệu lượt hành khách mỗi ngày.

Xe buýt công cộng tại Singapore. Ảnh: Getty image
Xe buýt công cộng tại Singapore. Ảnh: Getty image

Hiện tại, dịch vụ xe buýt công cộng được vận hành bởi bốn nhà khai thác chính, gồm: SBS Transit, SMRT Buses, Tower Transit, Go-Ahead theo mô hình hợp đồng xe buýt (BCM).

Theo mô hình này, Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) và Chính phủ Singapore giữ quyền sở hữu đối với các loại xe buýt và cơ sở hạ tầng. Các nhà khai thác được ký hợp đồng thông qua quy trình đấu thầu để vận hành và quản lý các tài sản này. Giá vé xe buýt được tính dựa trên quãng đường di chuyển và sẽ được quy định bởi chính phủ.

LTA chịu trách nhiệm mua sắm, giám sát hoạt động cũng như bảo trì tất cả tài sản xe buýt. Khi nâng cấp đội xe buýt công cộng, cơ quan này tiến hành thử nghiệm các công nghệ và tính năng mới nhằm cải thiện trải nghiệm chuyển, nâng cao độ an toàn và tạo điều kiện cho việc lưu thông dòng hành khách. Năm 2016, toàn bộ xe buýt công cộng đều được sơn màu xanh nhằm tạo sự đồng bộ cũng như phân biệt với các loại xe buýt khác.

Nhằm tăng cường độ tin cậy dịch vụ xe buýt, Singapore chú trọng đánh giá mức độ sai lệch giữa thời gian chờ đợi thực tế của hành khách và thời gian chờ được công bố trên biểu thời gian. Các tiêu chí vận hành cơ sở được xác định và xây dựng cho từng tuyến xe buýt, để đưa ra các mức phạt hoặc thưởng đối với đơn vị vận hành dịch vụ (6 tháng/lần).

Thông thường, hệ thống xe buýt tại Singapore sẽ cung cấp các dịch vụ vận chuyển như: dịch vụ vận chuyển quãng đường dài giữa các vùng, thị trấn khác nhau, dịch vụ vận chuyển với quãng đường ngắn hơn, dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới kết nối Singapore với TP Johor Bahru của Malaysia, dịch vụ vận chuyển trong khu công nghiệp Jurong.

Ngoài các dịch vụ kể trên, các nhà điều hành xe buýt tư nhân còn cung cấp các dịch vụ cao cấp và các dịch vụ xe buýt đưa đón khác nhằm mang đến nhiều sự lựa chọn cũng như bảo đảm đầy đủ tiện nghi cho du khách. Trong đó, dịch vụ xe buýt tư nhân được các công ty triển khai dựa trên lịch trình và tuyến đường được định sẵn, chẳng hạn như vận chuyển hành khách đến nơi làm việc hoặc các điểm đến vui chơi giải trí. Các dịch vụ này được LTA quản lý theo Giấy phép Dịch vụ xe buýt hạng 2.

Dịch vụ xe buýt cao cấp cung cấp các chuyến đi giữa các khu dân cư lớn và các nút công nghiệp, thương mại quan trọng như: khu thương mại trung tâm (CBD) hoặc khu công nghiệp hoặc khu thương mại trong giờ cao điểm.

Trung Quốc phát triển xe buýt điện

Trung Quốc đang thúc đẩy thay thế mạng lưới xe buýt diesel cũ bằng xe điện và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Năm 2021, quốc gia tỷ dân cung cấp hơn 90% xe buýt điện trên thế giới - theo Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch (ICCT).

Việc chuyển sang xe buýt điện là một trong những nỗ lực của nền kinh tế số hai thế giới nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ.

TP Thâm Quyến đang là địa phương đứng đầu về phát triển loại xe buýt thân thiện với môi trường này. Đây là TP đầu tiên trên thế giới ngừng sử dụng xe buýt diesels và chuyển sang xe buýt điện vào năm 2017. Nhằm thúc đẩy xe buýt điện phát triển, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhà điều hành xe buýt công cộng khoảng 500.000 nhân dân tệ (72.150 USD)/năm cho mỗi chiếc xe buýt điện và thêm 500.000 nhân dân tệ cho xe buýt chạy hơn 60.000km.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tiến hành xây dựng 500 trạm sạc giúp đáp ứng nhu cầu cho một nửa đội xe của TP.

Xe buýt điện tại Trung Quốc. Ảnh: Getty image
Xe buýt điện tại Trung Quốc. Ảnh: Getty image

Tài xế Ou Zhenjian với kinh nghiệm lái xe buýt 18 năm nhận thấy những thay đổi tích cực khi TP chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng xe buýt điện.
“Xe dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Chúng không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào, thật tuyệt khi lái xe như vậy” - ông Ou Zhenjian cho biết.

Ngoài ra, hiện nay nhiều TP tại Trung Quốc đã đồng loạt chuyển sang sử dụng xe buýt điện. Theo hãng tin AFP (Pháp), 10 TP thuộc tỉnh Quảng Đông cũng như TP Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, đang ưu tiên sử dụng xe buýt điện để vận chuyển hành khách. Trong khi đó, hơn 90% hệ thống xe buýt tại các TP lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đang thực hiện cuộc cách mạng xanh tương tự.

Nhiều TP đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn hệ thống xe buýt trước năm 2025. Tuy nhiên, các TP nhỏ tiến hành chuyển đổi chậm hơn do thiếu hụt mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết việc sử dụng xe buýt điện thay thế xe buýt chạy bằng diesel phát thải nhiều carbon sẽ góp phần giảm khoảng 5% trong tổng lượng khí thải của ngành giao thông.

Vương quốc Anh thúc đẩy chiến lược xe buýt quốc gia

Trước tình trạng suy giảm sử dụng xe buýt trong nhiều thập kỷ trên khắp cả nước, vào năm 2021, Chính phủ Anh đã ban hành chiến lược xe buýt quốc gia nhằm tăng độ phủ sóng của phương tiện giao thông công cộng này, cải thiện dịch vụ xe buýt địa phương, giải quyết tắc nghẽn ảnh hưởng đến lưu thông xe buýt cũng như giảm thiểu phát thải gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Theo chiến lược này, Chính phủ Anh đã triển khai một số biện pháp như: giảm giá vé nhằm thúc đẩy người dân di chuyển hàng ngày bằng xe buýt, tăng cường dịch vụ xe buýt vào buổi tối và cuối tuần cũng như tăng cường tần suất trên các tuyến thường xuyên. Các biện pháp cũng bao gồm việc thúc đẩy hình thức thanh toán điện tử nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho hành khách hay tiến hành mở rộng làn đường dành cho xe buýt để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Ngoài ra nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các cơ quan khuyến khích người dân di chuyển bằng xe buýt thay vì các phương tiện giao thông khác như ô tô, xe máy,… đồng thời hướng đến sử dụng các loại xe buýt không phát thải.

Để chiến lược quốc gia đạt được hiệu quả, Chính phủ Anh đã ban hành các gói hỗ trợ trong nhiều từng giai đoạn. Ngay trước khi chiến lược này được công bố, vào tháng 2/2020, Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố gói hỗ trợ 5 tỷ bảng Anh cho việc phát triển giao thông địa phương, trong đó 3 tỷ bảng được sử dụng để thúc đẩy hệ thống xe buýt.

Vào tháng 4/2022, Chính phủ Anh xác nhận đã phân bổ 2,58 tỷ bảng Anh để cải thiện dịch vụ xe buýt, trong đó 1,153 tỷ bảng Anh được sử dụng cho kế hoạch cải thiện dịch vụ xe buýt địa phương, 525 triệu bảng Anh để hỗ trợ việc cung cấp xe buýt không phát thải, khoảng 788 triệu bảng Anh cho các kế hoạch cải thiện hệ thống xe buýt của các cơ quan quản lý giao thông địa phương, 100 triệu bảng Anh cho các chương trình thí điểm, chẳng hạn như: thí điểm giá vé thấp ở Cornwall.