Trung Quốc khẳng định nỗ lực cải tạo hồ
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn quan tâm đến nhiệm vụ cải tạo hệ thống hồ theo hướng vừa bảo đảm thẩm mỹ cảnh quan đô thị, vừa cải thiện hệ thống thoát nước, hạn chế tình trạng ngập lụt vào mùa lũ.
Việc cải tạo hệ thống hồ đòi hỏi một quá trình nỗ lực bền bỉ qua từng năm. Chính quyền TP Hạ Môn phải mất hơn 40 năm để cải tạo Hồ Yundang thành một trong những địa điểm hấp dẫn khách du lịch hàng đầu cũng như là nơi thư giãn của người dân địa phương.
Trong giai đoạn từ 1984 - 2016, 4 đợt cải tạo đã được thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 11,3 tỷ nhân dân tệ (1,58 tỷ USD). Những năm gần đây, Hạ Môn đã triển khai đợt cải tạo thứ 5 với trọng tâm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, cải thiện hệ thống sinh thái và tăng cường khả năng thoát nước. Tổng số vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 8,6 tỷ nhân dân tệ (1,2 tỷ USD).
Cơ quan địa phương đã chú trọng trồng cây xung quanh hồ cũng được chú trọng nhằm tạo bóng mát, đảm bảo mỹ quan cũng như giúp hấp thụ khí thải CO2.
Nhằm khơi thông dòng chảy cũng như đảm bảo việc thoát nước, TP đã thực hiện ba đợt nạo vét bùn tích tụ dưới đáy hồ, trong đó mỗi đợt cách nhau 10 năm. Trong 30 năm qua, 4,7 triệu mét khối bùn đã được nạo vét và 14km bờ kè mới được xây dựng, làm giảm đáng kể tình trạng xói mòn đất ở khu vực xung quanh hồ. TP cũng xây dựng các cơ sở xử lý nước bị ô nhiễm.
Chính quyền Hạ Môn đã ban hành nhiều quy định pháp luật hướng dẫn việc cải tạo hồ, tiến hành điều chỉnh luật bảo vệ khu vực hồ Yundang năm 2020, thành lập trung tâm bảo vệ hồ nhằm giám sát các nỗ lực phát triển bền vững. Ngoài ra, vai trò của cộng đồng dân cư cũng được ghi nhận trong quá trình cải tạo hồ. TP đã thành lập một nhóm chuyên thực hiện nhiệm vụ thu thập ý kiến của du khách, cư dân địa phương về cải tạo và phát triển hệ sinh thái xung quanh hồ và chuyển đến chính quyền.
Không chỉ Hạ Môn, Hàng Châu nỗ lực cải tạo trở thành điểm đến du lịch hàng đầu, thu hút nhiều khách du lịch. Năm 2001, chính quyền địa phương đã mời các chuyên gia về kiến trúc cảnh quan của các trường đại học Trung Quốc để lập kế hoạch cải tạo, mở rộng khu vực phía Tây hồ, tạo thêm cảnh quan cho các không gian sơn thủy và cải thiện chất lượng môi trường của hồ.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2006 - 2015, TP đã thực hiện hai dự án cải tạo đối với Hồ Tây, gồm: dự án phục hồi sinh thái và cải thiện môi trường nước giai đoạn 2006 - 2010 và dự án cải thiện chất lượng nước và chuyển đổi ổn định hệ sinh thái hồ giai đoạn 2011 - 2015.
Vào năm 2002, Hàng Châu đã tiến hành nạo vét bùn hồ, trong đó ưu tiên sử dụng máy hút để tránh ô nhiễm thứ cấp. Sau khi nạo vét, bùn được dẫn theo đường ống dài 3km đến các bãi chứa tại thung lũng Jiangyangfan.
Năm 2003, Hàng Châu xây dựng khu tiền xử lý núi Ngọc Hoàng để xử lý nước chuyển từ sông Tiền Đường đến hồ. Khu này có thể cung cấp nước sạch cho hồ trong một tháng, đồng thời giúp cải thiện chất lượng nước.
Cũng trong năm đó, chính quyền địa phương trồng gần 200ha cây xanh nhằm tạo cảnh quan và bóng mát xung quanh hồ. Trong những năm tiếp theo, TP đã cải tạo hệ sinh thái xung quanh hồ, như: phục hồi sinh thái của suối Trường Kiều (2004 - 2009), xây dựng Công viên sinh thái Jiang-yang-fan rộng hơn 160.000m2 (2010), dự án làm sạch suối LongHong - dòng chảy chính phía Tây của hồ (2011 - 2012), triển khai hệ thống khử nitơ sông Tiền Đường…
Trong những năm gần đây, những kế hoạch nhằm phục hồi hệ sinh thái hồ đều đã được triển khai hiệu quả, chẳng hạn: phục hồi toàn diện các khu vực hồ, làm sạch nguồn cung cấp nước, cải thiện lưu lượng nước, xây dựng nhiều ao nuôi trồng thủy sản nhằm thanh lọc, tạo mỹ quan môi trường.
Singapore xây dựng các hồ chứa nước phòng, chống lũ lụt
Singapore là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore, tổng lượng mưa hàng năm của quốc gia Đông Nam Á này đã tăng với tốc độ trung bình 67mm trong mỗi thập kỷ từ năm 1980 đến năm 2019.
Nhằm đối phó với tình trạng ngập lụt trên diện rộng do mưa lũ gây ra, Singapore đã thúc đẩy việc xây dựng, cải tạo các hồ chứa nước, cải thiện hệ thống thoát nước. Cơ quan quản lý nước của Singapore PUB đã xây dựng hồ chứa nước Alkaff vào năm 2023. Nằm trong Công viên Bidadari, hồ Alkaff đóng vai trò vừa ngăn ngập nước khi mưa lớn ập đến, vừa là không gian giải trí, thu hút khách du lịch với vùng đất bậc thang ngập nước độc đáo.
Ngoài ra, cơ quan này cũng lên kế hoạch xây bể giữ nước Syed Alwi vào năm 2025. Bể giữ nước này với trạm bơm bên cạnh đường Syed Alwi, nhằm giúp tăng cường khả năng chống lũ lụt ở khu vực trũng Jalan Besar.
Vào năm 2022, nhằm ngăn chặn tình trạng ngập lụt, chính quyền Đảo Jurong đã xây dựng hồ chứa nước với quy mô 8,9ha và có sức chứa tương đương 50 bể bơi Olympic. Do được xây dựng phía trên lớp cát thấm nước, hay còn gọi là tầng chứa nước (đặc điểm tự nhiên của Đảo Jurong), hồ này có thể hấp thụ lượng nước lớn, hạn chế tình trạng ngập lụt mùa mưa lũ. Nước được hấp thụ sẽ đổ dần ra biển.
Không chỉ có tác dụng hạn chế lũ lụt, hồ cũng góp phần tạo thêm không gian xanh và đa dạng sinh học cho Đảo Jurong, giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, làm đẹp cảnh quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trên đảo.
Kiến trúc sư cảnh quan Raymond Yong từ Dreiseitlconsulting, công ty tham gia thiết kế dự án này, cho biết hồ có thể thực hiện các chức năng môi trường quan trọng khác, như giảm thiểu sự bốc hơi của nước ngầm và thúc đẩy đa dạng sinh học. Vào mùa khô, hồ chứa này thực hiện chức năng điều tiết khi nước trong hồ có thể được sử dụng để tưới cây trên đảo Jurong.
Hơn 1.500 cây và 25.000 cây bụi, hoa và các thảm thực vật đất ngập nước khác đã được trồng xung quanh hồ nhằm tạo cảnh quan.
“Chúng tôi tin rằng hồ này vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa giúp ngăn ngừa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Không cần phải dùng đến các đường ống, máy bơm hay hệ thống thoát nước, hồ chứa này là một giải pháp ngăn chặn lũ lụt hiệu quả” - ông Tan Chee Kiat, giám đốc nhóm kỹ thuật của công ty JTC thực hiện việc xây dựng hồ cho biết.