Các nước Đông Nam Á đã thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia Đông Nam Á đang mời chào các nhà đầu tư nước ngoài bằng những chính sách tiến bộ, các khoản ưu đãi hào phóng cũng như những ưu thế nổi bật của riêng mình.

Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều gam màu xám do xung đột địa chính trị và nhiều thách thức khác, Đông Nam Á vẫn đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Vào năm 2022, dòng đầu tư FDI đổ vào khu vực ASEAN đạt mức kỷ lục 224 tỷ USD - chiếm 17% vốn FDI toàn cầu và gấp đôi so với 4 năm trước. Đặc biệt, thành tựu này càng đáng nể hơn khi đến trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy thoái trầm trọng, với việc dòng vốn FDI toàn cầu chứng kiến mức giảm 12% do vô vàn những thách thức như: xung đột địa chính trị, giá lương thực và năng lượng tăng...

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Điều khiến ASEAN hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như lực lượng lao động dồi dào, dân số trẻ hay môi trường đầu tư an toàn do tránh xa các xung đột địa chính trị như: Nga - Ukraine hay Hamas - Israel.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là những đãi ngộ mà các nước Đông Nam Á dành cho nhà đầu tư. Chính phủ các nước này luôn dành sự quan tâm cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư, trong đó hướng ưu tiên vào các lĩnh quan trọng như: chuyển đổi năng lượng, nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Chẳng hạn, nhiều quốc gia đã có những chính sách ưu đãi, trợ cấp và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích dòng vốn FDI vào lĩnh vực xe điện. Vào năm 2021, Campuchia đã giảm thuế nhập khẩu xe điện từ 30% xuống 10%, thấp hơn 50% so với xe ICE.

Trong khi đó, Indonesia cũng triển khai các chương trình giảm giá điện cho các trạm sạc, đồng thời khuyến khích các dòng vốn đầu tư vào các sản phẩm niken có giá trị cao khi giảm ưu đãi thuế đối với những loại có giá trị thấp hơn.

Còn đối với Malaysia, chính phủ nước này đã đưa ra những khoản ưu đãi cho việc thành lập các trạm sạc xe điện, đồng thời đơn giản hóa thủ tục phê duyệt đầu tư. Hay Myanmar miễn thuế thu nhập cho xe điện chạy bằng pin, thuế hàng hóa đặc biệt và các loại thuế nội địa khác nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Thái Lan xác định trọng tâm thu hút FDI

Thái Lan ngày càng đẩy mạnh việc thu hút vốn FDI đối với các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm 2023, có 612 DN nước ngoài được cấp phép đầu tư và tiến hành hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong các chuyến công du đến các bang của Mỹ, Trung Quốc, Thủ tướng Srettha Thavisin thể hiện quyết tâm mời chào các nhà đầu tư lớn, những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại “đất nước chùa Vàng”.

Theo Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) Narit Therdsteerasukdi, Chính phủ Bangkok hiện đang hướng trọng tâm chính sách thu hút FDI vào năm lĩnh vực chính, gồm: kỹ thuật số, điện tử, xe điện (EV), kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) và các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây được xem là những lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong việc nâng tầm phát triển kinh tế đất nước.

Cụ thể, trong lĩnh vực kỹ thuật số, Chính phủ Bangkok nhắm mục tiêu vào hai phân khúc: trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây, trong đó tập trung hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Amazon Web Services (AWS), Google và Microsoft. Cả Microsoft và Google đang lên kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu đám mây và trung tâm AI tại Thái Lan.

Ông Narit cho biết, biên bản ghi nhớ (MOU) với Microsoft không chỉ bao gồm các khoản đầu tư tài chính, mà còn thêm việc phát triển hệ thống kỹ thuật số thuộc sở hữu nhà nước, dự án State Cloud, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động kỹ thuật số, tăng cường an ninh mạng và bồi dưỡng kiến thức về AI. Bên cạnh đó, nước này cũng dành sự quan tâm cho các công ty lớn khác như: Meta, Tik Tok và OpenAI.

Còn trong lĩnh vực điện tử, Thái Lan đang hướng đến phát triển mối quan hệ với một số ông lớn của Mỹ như: Western Digital (WD), Analog Devices Inc (ADI) và Hewlett-Packard (HP).

Nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, quốc gia này cũng có nhiều ưu đãi về thuế, như: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thiết yếu được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.

Thái Lan cũng đưa ra nhiều đãi ngộ đối với người nước ngoài, như trao cho họ một số quyền hạn, gồm: có thể đến nước này để nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư hay thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là những lao động tay nghề cao, các chuyên gia đến để thực hiện việc xúc tiến đầu tư; cho phép sở hữu đất đai hoặc mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

Singapore xứng danh tiên phong trong thu hút FDI

Con rồng kinh tế châu Á luôn biết cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bởi các chính sách vượt thời đại của mình.

Các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm khi đến với Singapore do hệ thống pháp luật của quốc gia này vô cùng tiến bộ, hoàn thiện, công bằng và minh bạch. Thay vì ban hành một luật riêng, tất cả mọi hoạt động đầu tư tại Singapore đều được điều chỉnh bởi những luật chung, như: luật hợp đồng, luật công ty và các luật chuyên ngành. Nhìn chung, ngoài một số lĩnh vực cần phải hạn chế như: viễn thông, truyền thông, ngân hàng, đất đai, quốc gia này gần như không phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Singapore xác định rõ ba lĩnh vực trọng tâm thu hút vốn đầu tư, bao gồm: ngành sản xuất mới, xuất khẩu và lao động, trong đó hướng ưu tiên vào từng lĩnh vực cụ thể trong các quãng thời gian khác nhau. Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hướng ra xuất khẩu, quốc gia này đã thành lập Ban Phát triển Kinh tế (EDB), hoạt động theo nguyên tắc một cửa, nắm bắt, nghiên cứu những yêu cầu của các nhà đầu tư, từ đó triển khai các kế hoạch, chiến lược phù hợp.

Ngoài ra, Singapore cũng tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ không quốc hữu hóa các DN nước ngoài, đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, thực hiện tinh gọn thủ tục cấp phép cho các nhà đầu tư từ quốc gia khác để các dự án có thể nhanh chóng được triển khai.

Nhằm khuyến khích các nhà tư bản rót vốn vào đầu tư, chính phủ nước này đã áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt như: khi thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận về nước; hay nhà đầu tư nào có số vốn ký khai thác tại Singapore từ 250.000 đô la Singapore trở lên và có đầu tư thì gia đình họ được hưởng quyền công dân tại nước này.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút dòng vốn FDI đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, hệ thống pháp luật công bằng và hiệu quả, không phân biệt đối xử.