Các nước dùng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Liên Hà - Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền các quốc gia trên thế giới hiện không chỉ tìm đến những biện pháp hỗ trợ DN tức thời mà còn gắn những giá trị bền vững, tuần hoàn trong triển khai những chính sách cụ thể.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đưa ra các biện pháp hiệu quả cho các chính quyền trên thế giới trong hỗ trợ DN, trong đó nhấn mạnh các biện pháp tạo điều kiện tiếp cận vốn. Cơ quan quản lý DN nhỏ (SBA) ở Mỹ cung cấp nhiều chương trình cho vay dành cho DN nhỏ, cung cấp khoản tài trợ lên tới 5 triệu USD cho các DN đủ điều kiện.

Ngoài ra, chính phủ cũng có thể cung cấp các ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.

Tiếp đó là cắt giảm thủ tục hành chính. Ví dụ, Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới - WB xếp hạng các quốc gia dựa trên mức độ dễ dàng để bắt đầu và điều hành một DN.

Doanh nghiệp sản xuất tại TP Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Doanh nghiệp sản xuất tại TP Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Singapore liên tục đứng đầu danh sách, một phần nhờ các chính sách thân thiện với DN, chẳng hạn như hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến cho phép các DN đăng ký thành lập công ty chỉ trong vài giờ.

Bên cạnh đó là đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tại Ấn Độ, Ủy ban Phát triển Doanh nhân Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTEDB) chịu trách nhiệm riêng nhằm cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đồng thời, chính sách khuyến khích đổi mới đã được triển khai tại nhiều quốc gia. Như tại Mỹ, chính sách tín dụng thuế cho phép miễn trừ thuế của các DN trong một số hạng mục chi phí R&D nhất định.

Hỗ trợ đi kèm thúc đẩy đổi mới
Ngày 31/5/2022, Trung Quốc đã ban hành thông tư liên quan đến một gói chính sách nhằm ổn định và tăng trưởng nền kinh tế của đất nước. Theo đó, chính quyền các tỉnh, khu tự trị và TP được yêu cầu phải thực hiện 33 biện pháp được quy định trong chính sách.

Về tài chính, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng và thắt chặt lộ trình chi tiêu tài khóa.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần phải đẩy nhanh việc phát hành và sử dụng trái phiếu đặc biệt, phải kích hoạt chính sách bảo lãnh tài chính cũng như hỗ trợ hơn nữa vào việc đầu tư các trang thiết bị cho các DN vừa và nhỏ, đồng thời tăng cường chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội và hỗ trợ việc làm.

Về chính sách tiền tệ và tài chính, Trung Quốc khuyến khích trả chậm vốn và lãi cho các khoản vay đối với các DN vừa và nhỏ, cá nhân tự kinh doanh, tài xế xe tải và các khoản vay tiêu dùng và nhà ở cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các khoản vay toàn diện cho các DN siêu nhỏ và nhỏ sẽ được mở rộng. Lãi suất cho vay thực tế sẽ ổn định và giảm nhẹ, hiệu quả huy động vốn của thị trường vốn sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ khác như nới lỏng các thủ tục cho người lao động tự do thay đổi quyền sở hữu cũng như cập nhật trạng thái DN, đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ đổi mới, tài chính và đào tạo chuyên môn cho DN.

Chương trình HNTE do chính phủ triển khai từ năm 2018 tại Trung Quốc giúp giảm thuế suất thuế thu nhập DN áp dụng cho đối tượng nộp thuế đủ điều kiện từ mức tiêu chuẩn 25% xuống 15%, là một trong những ưu đãi thuế cốt lõi của Trung Quốc nhằm khuyến khích đổi mới.
Trong khi đó, tại Singapore - cái nôi đổi mới của khu vực, đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết DN có thể được khấu trừ thuế nhiều hơn nếu tiếp tục thực hiện đổi mới theo chính sách nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo đó, các DN, ngay cả những DN đóng ít hoặc không đóng thuế, cũng có thể nhận khoản thanh toán bằng tiền mặt không chịu thuế.

Hiện tại, các DN được khấu trừ thuế lên tới 250% khi thực hiện bốn hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo, gồm hoạt động R&T được tiến hành ở Singapore; đăng ký sở hữu trí tuệ (IP) gồm bằng sáng chế, nhãn hiệu và thiết kế; mua lại và chuyển giao sở hữu trí tuệ; đổi mới được thực hiện với các trường bách khoa và Viện Giáo dục Kỹ thuật (ITE).

Dự kiến, mức khấu trừ thuế sẽ tăng lên 400 % khi một hoạt động mới được thêm vào là: đào tạo thông qua các khóa học được SkillsFuture Singapore phê duyệt phù hợp với khung kỹ năng.

Điều này đồng nghĩa, một DN đã chi 1.000 USD cho R&D và 1.000 USD nữa cho việc đăng ký IP, DN đó sẽ có thể bù trừ tổng cộng 8.000 USD từ thu nhập chịu thuế. Bên cạnh đó, các DN mới thành lập, DN vừa và nhỏ (SME) và cácDN nhỏ hơn khác chưa có lãi sẽ phải trả ít thuế hơn thậm chí không phải trả, sẽ được hưởng lợi từ cơ chế chuyển đổi tiền mặt mới.

Ngoài ra, thông qua Heliconia Capital, công ty con của Temasek Holdings, chính phủ Singapore đã và đang huy động nguồn đầu tư cho các DN vừa và nhỏ. Đến nay, chính phủ Singapore đã cam kết 1 tỷ USD cho nỗ lực này và đầu tư vào khoảng 60 công ty có trụ sở tại Singapore.

Các địa phương vào cuộc

Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc hiện đang theo đuổi một mô hình tăng trưởng cân bằng, bảo đảm rằng tất cả các DN - dù do nhà nước kiểm soát, tư nhân hay do nước ngoài tài trợ - đều có thể duy trì hoạt động lành mạnh trong đô thị.

Năm 2022, chính quyền TP Thượng Hải đã yêu cầu tất cả các nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước miễn tiền thuê nhà cho người thuê trong ít nhất ba tháng để giúp giảm bớt khó khăn tài chính.

Cùng thời điểm, chính quyền TP đã cắt giảm thuế tới 300 tỷ nhân dân tệ (44,75 tỷ USD) để giúp 2,67 triệu công ty của TP, chủ yếu là DN nhỏ, tồn tại qua các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Covid-19 được thi hành vào lúc đó.

Ngoài ra, chính quyền TP Thượng Hải cũng có ý định phát triển ít nhất bốn cụm công nghiệp bên trong khu thương mại tự do Lingang, nơi đặt trụ sở nhà máy Gigafactory 3 của Tesla. Bốn cụm đó - bao gồm trí tuệ nhân tạo, phương tiện năng lượng mới, chất bán dẫn và thiết bị cao cấp - mỗi cụm dự kiến sẽ có sản lượng hằng năm hơn 100 tỷ nhân dân tệ.

Các biện pháp phục hồi kinh doanh mà Thượng Hải nhắm đến phản ánh nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm hồi sinh dòng vốn đầu tư mới vào đô thị - từ lâu được công nhận là "đầu rồng" của nền kinh tế Trung Quốc, đóng vai trò là cửa ngõ cho các DN và vốn nước ngoài vào đại lục.