Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước giữ gìn bản sắc văn hóa như thế nào?

Tùng Lâm - Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ, gia tăng khung pháp lý cũng như thúc đẩy nguồn lực kinh tế... là các biện pháp được nhiều nước lựa chọn để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tăng cường lan tỏa, quảng bá các giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống ra thế giới.

Quyết tâm của nền văn hóa nghìn năm

Chú trọng bảo tồn các di sản, nét văn hóa đặc trưng trước những biến chuyển của thời đại là ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm qua, với việc tham gia Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 1985 để nâng cao năng lực bảo tồn di sản của mình theo tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời liên tục thực hiện các dự án nghiên cứu quốc gia về truy tìm nguồn gốc hình thành, lịch sử văn minh.

Đất nước tỷ dân tự hào khi có đến 56 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm 38 di sản văn hóa, 14 di sản tự nhiên và 4 di tích văn hóa và tự nhiên (hỗn hợp). Trong đó, có thể kể đến các công trình kiến trúc nổi tiếng như: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, hay những nét đặc trưng văn hóa như: Thư pháp Trung Hoa, Lễ hội thuyền rồng, Kinh kịch...

Tử Cấm Thành tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hùng
Tử Cấm Thành tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hùng

Kể từ khi tham gia vào Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể 2004, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong bảo tồn di sản. Trung Quốc đã tiến hành cải tạo quy mô lớn lần đầu tiên đối với bảy di sản văn hóa thế giới tại Bắc Kinh, bao gồm: Lăng mộ Nhà Minh, Vạn Lý Trường Thành và Tử Cấm Thành và tất cả đều được hoàn thành trước năm 2008.

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, Trung Quốc cũng tích cực quảng bá các lễ hội và sự kiện truyền thống như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Lễ hội Thuyền rồng.

Những sự kiện này được tổ chức trên toàn quốc với các tập tục truyền thống như: múa lân, đua thuyền… cũng như làm các món ăn hay trưng bày đồ trang trí truyền thống.

Trong giai đoạn 2005 - 2009, Chính phủ Bắc Kinh đã bước đầu thực hiện các cuộc điều tra về di sản văn hóa phi vật thể và thống kê gần 870.000 loại hình nghệ thuật, tiếng nói, chữ viết,... được xếp vào hạng mục này, trong đó có một số loại hình được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại.

Trung Quốc đang không ngừng bảo vệ các loại hình nghệ thuật và thủ công truyền thống như: thư pháp, cắt giấy và hội họa. Những loại hình nghệ thuật quan trọng này đang được truyền lại cho các thế hệ tương lai thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo khác nhau. Nước này cũng khuyến khích dạy các ngôn ngữ truyền thống như tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào bảo tồn di sản.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 21/4/2023, Học viện Đôn Hoàng và tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tencent đã phát triển “Hang động thư viện số” - nền tảng kỹ thuật số tái hiện bản sao của Hang Mạc Cao hay còn gọi là “Hang động thư viện” tại Đôn Hoàng, nhằm giúp du khách có cơ hội tìm hiểu các triều đại cổ, tương tác với 8 nhân vật lịch sử cũng như tiếp thu, học hỏi văn hóa Đôn Hoàng. “Hang thư viện” đang là nơi lưu chứa hơn 60.000 cổ vật, gồm nhiều bản thảo có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ XI.

Một ví dụ khác là ứng dụng kỷ thuật số để tái hiện hình ảnh của những bản khắc xương vào ngày 20/4/2023 để nhằm giúp người dân hiểu rõ được ý nghĩa của các ký tự, khơi dậy động lực đối với việc nghiên cứu và bảo tồn chữ viết cổ Trung Quốc.

Thúc đẩy nguồn lực cho bảo tồn văn hóa

Kể từ năm 2002, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thành lập Giải thưởng Di sản Văn hóa của EU, dành cho những cá nhân hoặc tổ chức thúc đẩy quá trình bảo tồn di sản văn hóa trong thực tiễn hoặc nâng cao các phương pháp bảo tồn. Giải thưởng tạo điều kiện tăng cường ảnh hưởng văn hóa lan tỏa trên khắp châu Âu, nâng cao tính đánh giá và nhận thức của người dân về di sản văn hóa, đồng thời khuyến khích công chúng tham gia công tác bảo tồn với trị giá cao nhất của giải thưởng này sẽ nhận khoảng 10.000 euro.

Việc thúc đẩy các chương trình quyên góp được coi là một trong những biện pháp được châu Âu áp dụng để bổ sung nguồn ngân sách hạn chế của Chính phủ dành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều tổ chức và người dân sẵn sàng quyên góp tiền để bảo tồn các tòa nhà lịch sử của đất nước.

Tại Pháp, sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris năm 2019, nhiều tổ chức và người dân sẵn sàng quyên góp tiền. 10 ngày sau vụ cháy, người dân và các tỷ phú đã cam kết ít nhất 750 triệu euro để xây dựng lại và làm mới các tượng đài ở Paris và Pháp. Một số nhà kinh tế kiến trúc dự đoán rằng số tiền đã vượt quá chi phí sửa chữa.

Bên cạnh đó, các dịch vụ hệ sinh thái được cung cấp bởi các tòa nhà lịch sử và di sản văn hóa ước tính chi phí khoảng 200 - 300 tỷ euro mỗi năm ở châu Âu. Từ những lợi ích kinh tế, Chính phủ Pháp đang cân nhắc tăng ngân sách bảo tồn các di tích này để từ đó kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong dài hạn thông qua du lịch và phát triển bền vững.

Tạo khung pháp luật để nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa

Là một trong những quốc gia có lượng di sản văn hóa dồi dào và độc đáo bậc nhất thế giới, Ấn Độ luôn coi trọng việc bảo tồn, gìn giữ tính đa dạng, bản sắc văn hóa của mình, trong đó ưu tiên sử dụng công cụ pháp luật để áp đặt trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ lên mọi cơ quan, tầng lớp Nhân dân.

Cụ thể, Hiến pháp nước này quy định nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, trong đó Điều 49 quy định Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo vệ mọi di tích, địa điểm, hoặc đối tượng có lợi ích nghệ thuật và lịch sử, được Quốc hội tuyên bố, khỏi bị hủy hoại hoặc bán ra nước ngoài; hay Điều 29 quy định việc bảo vệ mọi bộ phận công dân cư trú trên lãnh thổ Ấn Độ hoặc những bộ phận người dân có ngôn ngữ, chữ viết hoặc văn hóa riêng biệt.

Không chỉ Hiến pháp, nhiều văn bản pháp lý được xây dựng khá cụ thể, chặt chẽ nhằm hướng đến việc bảo vệ các di sản văn hóa tốt hơn, như: Đạo luật Di tích cổ và Địa điểm di tích cổ (hay Đạo luật AMASR) được ban hành vào năm 1958 giúp bảo tồn các di tích lịch sử, Đạo luật AMASR sửa đổi vào năm 2010 quy định về Cơ quan Di tích quốc gia (NMA) đảm đương nhiệm vụ bảo vệ các di tích cổ và các khu vực hạn chế ra vào xung quanh…

Tương tự Ấn Độ, Nhật Bản từ lâu đã xây dựng hệ thống pháp luật và các chính sách gắn liền với việc bảo tồn di sản văn hóa. Từ năm Minh Trị thứ 4 (1871), theo yêu cầu của Viện Đại học, Thái Chính Cung đã ban hành Chính sách bảo quản cổ vật - được xem là văn bản hành chính nhà nước đầu tiên về bảo tồn di sản truyền thống của Nhật Bản.

Từ đó, quốc gia châu Á này cũng có những bước tiến đáng kể trong bảo vệ di sản văn hóa, chẳng hạn: thành lập Cục Điều tra và Bảo tồn Bảo vật quốc gia lâm thời năm 1888, tiến hành cuộc điều tra bảo vật quốc gia trên cả nước vào năm 1897 và phát hiện được 215.091 cổ vật như: tư liệu cổ, tranh ảnh, điêu khắc, thư pháp, thủ công mỹ nghệ…, ban hành Luật Bảo tồn di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên vào năm 1919, triển khai Luật Bảo tồn bảo vật quốc gia vào năm 1929 - một trong những bộ luật quan trọng bậc nhất về bảo tồn và tiền đề để hoàn thiện bộ luật hoàn chỉnh vào năm 1950.

Ngày nay, các quốc gia đã chú trọng hơn nữa công cuộc bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa, những di tịch lịch sử hay giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc để chúng không bị lụi tàn trước những biến chuyển của thời đại.