Singapore chú trọng phát triển hệ thống giao thông xanh
Chính quyền Singapore từ lâu đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông xanh, thúc đẩy việc đầu tư vào những phương tiện di chuyển ít phát thải nhằm hạn chế tối đa các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Kế hoạch Xanh Singapore 2030, Giao thông Đường bộ (LTA) tiếp tục thúc đẩy các phương thức thân thiện với môi trường như: xe đạp, xe buýt, khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện năng lượng sạch hơn như: xe điện, tàu điện hay kêu gọi người dân đi bộ vì môi trường.
Tại “Đảo quốc Sư tử”, xe đạp đang là phương tiện được khuyến khích sử dụng do bảo đảm nhiều lợi ích, bao gồm hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhằm khuyến khích người dân di chuyển bằng xe đạp, chính quyền Singapore đã khởi công nhiều dự án đường dành cho loại xe không khói này, trong đó các tuyến đường kết nối các khu dân cư với các tiện ích quan trọng như: các nút giao thông công cộng, trung tâm mua sắm, các công viên xanh.
Hiện nay, quốc gia Đông Nam Á này có khoảng 500km đường dành cho xe đạp và đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đường đi xe đạp trên toàn đảo quốc lên 800km trong 2 đến 3 năm tới và cuối cùng đạt mục tiêu khoảng 1.300km vào năm 2030.
Cơ quan giao thông đường bộ Singapore cho biết: “Các dự án giúp cải thiện khả năng di chuyển của người dân giữa các khu giao thông chính, trung tâm mua sắm tại TP, khu dân cư, trường học, bệnh viện…”.
Xe điện cũng đang là mối quan tâm của Singapore. Chính phủ nước này đang nỗ lực thực hiện mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong vào năm 2040 và chuyển sang sử dụng xe điện cũng như xe chạy bằng nhiên liệu sạch. Dữ liệu cho thấy tính đến tháng 1/2024 có khoảng 11.000 xe điện chạy trên khắp đường phố Singapore, tăng 40% so với năm ngoái.
Singapore đã thành lập Trung tâm Phương tiện xe điện Quốc gia (NEVC) phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của chính phủ trong quản lý xe điện.
Để khuyến khích chấp nhận xe điện tại Singapore, LTA sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực, đó là: giảm hoặc trợ cấp các loại thuế, phí xe điện; xác lập quy định, tiêu chuẩn; triển khai hạ tầng sạc. Chẳng hạn, vào tháng 9/2023, Singapore đã gia hạn chương trình Khuyến khích áp dụng xe điện sớm thêm 2 năm đến năm 2025.
Theo chương trình, xe ô tô và xe taxi chạy hoàn toàn bằng điện mới đăng ký sẽ được giảm 45% phí đăng ký bổ sung - một loại phí áp dụng khi đăng ký xe - với mức tối đa là 15.000 đô la Singapore.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng xe điện cũng được chú trọng, trong đó dồn trọng tâm vào việc phát triển các trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Chính phủ ban hành quy định hỗ trợ lắp trạm sạc, như: cho phép việc lắp đặt bộ sạc xe điện tại chung cư chỉ cần 50% số ý kiến đồng thuận của cư dân.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Giao thông Đường bộ, có gần 4.900 trạm sạc xe điện trên toàn quốc. Singapore đặt mục tiêu xây dựng 60.000 điểm sạc xe điện vào năm 2030, bao gồm 40.000 điểm tại các khu đỗ xe công cộng và 20.000 điểm tại khu dân cư.
Ngoài ra, Singapore đang có kế hoạch chuyển từ xe buýt sử dụng dầu diesel sang xe buýt điện hoặc xe buýt hybrid, với thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch vào năm 2040.
Pháp tiên phong về phát triển phương tiện không phát thải
Là một trong những quốc gia châu Âu tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Pháp đã đặt trọng tâm vào phát triển các loại hình giao thông vận tải bền vững. Cơ quan chuyển đổi sinh thái của chính phủ Pháp, ADEME đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi giao thông, chẳng hạn: hỗ trợ phát triển những chiếc xe hiệu quả cao và ít gây ô nhiễm hơn, tổ chức quản lý hệ thống giao thông bền vững hay khuyến khích các dịch vụ vận chuyển và vận tải công cộng.
Trong những năm qua, việc phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện đã được Chính phủ Pháp đặc biệt quan tâm. Trong nỗ lực thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng tàu điện, quốc gia châu Âu này vào năm 2020 đã công bố khoản ngân sách 4,7 tỷ euro trong hai năm dành cho ngành đường sắt cũng như tiếp tục đầu tư thêm 100 tỷ euro để nâng cấp và mở rộng mạng lưới đường sắt quốc gia.
Ngoài tàu điện, xe điện cũng đã và đang nhận được sự quan tâm đáng kể. Có hơn 250.000 xe chở khách chạy điện trên đường phố Pháp. Thị trường xe đạp điện cũng chứng kiến sự bùng nổ, trong khi 100% xe buýt ở các TP lớn của Pháp đã chuyển từ động cơ diesel sang động cơ hybrid.
Để hỗ trợ sáng kiến xe điện, Pháp lên kế hoạch lắp đặt bảy triệu điểm sạc cho xe hybrid và xe điện vào năm 2030 thông qua quan hệ đối tác với các OEM, nhà cung cấp năng lượng và cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Nhằm khuyến khích người dân thường xuyên sử dụng xe đạp, Chính phủ Pháp đã đề ra kế hoạch Vélo phát triển cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Theo đó, một khoản ngân sách 2 tỷ euro đã được phân bổ để đẩy nhanh việc triển khai xe đạp tại Pháp, trong đó hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi mạng lưới làn đường dành cho xe đạp lên 100.000km vào năm 2030.
Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các loại hình giao thông thân thiện với môi trường
Nhật Bản nổi tiếng với hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả và đặc biệt thân thiện với môi trường. Hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen với những chuyến tàu chạy bằng điện vừa giúp bảo đảm các mục tiêu bền vững, vừa bảo đảm nhanh chóng vận chuyển hành khách đến mọi khu vực trên khắp Nhật Bản.
Ông Takashi Oguchi - Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Tokyo cho biết, việc di chuyển thông qua các chuyến Shinkansen là một sự lựa chọn tuyệt vời và hiệu quả, vừa giúp làm giảm lượng khí carbon phát sinh vừa đáp ứng mục tiêu di chuyển nhanh chóng kịp thời. Do vậy nên dù giá vé di chuyển cao, nhiều người dân vẫn lựa chọn di chuyển thay vì đi ô tô hoặc máy bay.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của những chiếc xe điện trong thời gian gần đây khi chính phủ đang tích cực cung cấp các khoản trợ cấp và ưu đãi mua xe điện, cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng sạc trên khắp cả nước. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng trạm sạc từ mức 30.000 hiện nay lên 150.000 vào năm 2030.
Ngoài ra, tại các TP lớn trên khắp đất nước mặt trời mọc, hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển lượng lớn hành khách hàng ngày cũng như vừa bảo đảm giảm thiểu đáng kể lượng khí carbon thải ra môi trường.
Gần đây Chính phủ Nhật Bản đã cho thấy những nỗ lực nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận với phương tiện giao thông bền vững. Các TP như Tokyo, Kyoto và Osaka đã đầu tư vào các làn đường dành cho xe đạp, triển khai các chương trình chia sẻ xe đạp cũng như các chính sách hỗ trợ phương tiện giao thông bền vững này.
Một trong những tiến bộ của Nhật Bản là sự phát triển của loại hình xe đạp trợ lực điện hay còn gọi là e-bike. Những xe đạp điện hỗ trợ đáng kể người dân trong những chuyến đi dài, đặc biệt là ở những vùng đồi núi hoặc những đoạn đường khó đi.