Các siêu cường giải bài toán thiếu điện bằng cách nào?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi đối mặt với những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, kể cả những siêu cường kinh tế cũng phải có giải pháp đặc thù để đảm bảo an ninh năng lượng.

Khi nguồn điện ngày càng bất ổn vì nhiều yếu tố như tự nhiên, an ninh, địa chính trị, các nước công nghiệp phát triển đã có cách thức riêng để ứng phó.

Đức

Đầu tháng 4/2023, Liên minh cầm quyền Đức ra dự thảo luật yêu cầu cả khu vực tư nhân và nhà nước cắt giảm 26,5% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030 so với năm 2008.

Động thái này nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện trên diện rộng do nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm nghiêm trọng.

Vào mùa đông năm 2022, chính phủ Đức cũng đã đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng như cấm lò sưởi ở bể bơi tư nhân và khuyến khích mọi người làm việc tại nhà. Mục tiêu của chiến dịch là kêu gọi người dân và ngành công nghiệp cắt giảm 20% mức sử dụng năng lượng.

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2020, tiết kiệm năng lượng của nước này chỉ dưới 6%.

Dự kiến trong tháng này, nội các Đức sẽ thông qua một đạo luật mới quy định mức tiết kiệm thậm chí còn lớn hơn đối với khu vực công và tư nhân.

Cũng theo dự luật này, khi sử dụng một lượng năng lượng nhất định, các công ty bắt buộc phải kèm theo "hệ thống quản lý năng lượng" để lập kế hoạch tiêu thụ trong thời gian dài hơn.

Hiện mỗi năm Chính phủ Đức phải tiết kiệm khoảng 45 terawatt giờ (TWh), đồng thời các bang phải cùng nhau cắt giảm 5 TWh hàng năm để nền kinh tế lớn nhất châu Âu này hoàn thành mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2045.

Bên cạnh đó, Đức cũng đang nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nước này đi đầu về năng lượng tái tạo ở châu Âu. Tính đến năm 2021, công suất năng lượng mặt trời của họ lên đến 66,5 gigawatt (GW). Trong nửa đầu năm 2022, công suất đã tăng thêm hơn 3,8 GW.

Gần đây quốc gia này đã đấu thầu để phát triển thêm 1,5 GW công suất năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

Pháp

Vào tháng 6/2022, Pháp đã đưa ra một kế hoạch tiết kiệm năng lượng quốc gia nhằm khuyến khích việc tắt đèn và giảm nhiệt độ để tránh cắt điện và khí đốt trong mùa đông.

Mặc dù quốc gia này ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn các nước láng giềng phía đông như Đức, nhưng sản lượng điện hạt nhân của Pháp đã sụt giảm khi nhiều lò phản ứng đang trong tình trạng bảo trì, không sử dụng được.

Chính phủ Pháp đã đặt mục tiêu cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2024, so với mức năm 2019. Đây cũng là bước đầu tiên trong kế hoạch trung hòa carbon dài hạn - giảm 40% năng lượng tiêu thụ vào năm 2050.

Theo kế hoạch, chính phủ sẽ làm gương bằng cách giới hạn nhiệt độ 19 độ C (64 độ F) trong các tòa nhà công cộng và hạ xuống 18 độ C vào những ngày lưới điện căng thẳng.

Đồng thời, các địa phương cũng sẽ cắt giảm việc sử dụng nước nóng trong nhà vệ sinh, khuyến khích làm việc tại nhà và công chức đi xe của chính phủ được yêu cầu hạn chế tốc độ ở mức 110 km/giờ.

Mới đây nhất, vào tháng 6/2023, Pháp lên kế hoạch chi hơn 100 triệu euro (107,8 triệu USD) để đào tạo nhân công và đổi mới các dự án điện hạt nhân trong thập kỷ tới.

Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher cho biết chính phủ đã dành gần 800 triệu euro (787 triệu USD) để giúp người dân giảm sử dụng điện, bao gồm khoản trợ cấp lên tới 9.000 euro cho mỗi hộ gia đình chuyển từ nồi hơi đốt gas sang máy bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng.

Nhật Bản

Tháng 1/2022, vào cao điểm mùa đông, Nhật Bản đã yêu cầu các hộ gia đình và công ty trên cả nước tiết kiệm điện hợp lý, tránh nguy cơ thiếu điện.

Từ ngày 1/12 đến ngày 31/3, người dùng được yêu cầu tắt đèn không cần thiết, mặc quần áo nhiều lớp trong nhà và giảm nhiệt độ sưởi ấm.

Nguồn cung điện của Nhật Bản đã bị thắt chặt trong những năm gần đây do các nhà máy điện hạt nhân chậm khởi động lại sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Không những vậy, mọi việc ngày càng khó khăn khi cuộc chiến Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu toàn cầu.

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết: “Mọi việc vẫn rất khó khăn mặc dù chúng tôi hy vọng có thể đảm bảo tỷ lệ dự trữ điện đạt mức 3% trong mùa đông”.

Vì thế, Nhật đang tập trung phát triển năng lượng mặt trời. Năm 2023, nước này đứng thứ 3 về sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện, với công suất tích lũy là 84,9 GW.

Năng lượng mặt trời chiếm gần 10% tổng sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng tuyệt vời so với mức 0,3% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2010.

Hơn nữa, với 45% tế bào quang điện trên thế giới được sản xuất tại Nhật Bản, quốc gia này dẫn đầu thế giới về thị trường quang điện.

Theo Bộ Môi trường và Thương mại Nhật Bản, họ đang tìm cách bổ sung 20 GW công suất năng lượng mặt trời trong 8 năm tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu 108 GW vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đang có kế hoạch lắp đặt tấm pin mặt trời tại hơn 50% tòa nhà chính quyền trung ương và thành phố.

Mỹ

Hiện tại, nền kinh tế số một thế giới đang ưu tiên sử dụng điện mặt trời. Với công suất 135,7 GW, Mỹ đứng thứ hai thế giới về năng lượng mặt trời. Hiện điện mặt trời chiếm 3% điện năng cả nước.

Tiềm năng điện mặt trời ở Mỹ rất lớn. Theo Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia, các tấm pin năng lượng mặt trời ở một khu vực có diện tích bằng Hồ Michigan (khoảng 35.000 km vuông), sẽ đủ cung cấp năng lượng cho cả nước. Nếu hiệu quả của các tấm pin được nâng lên, diện tích này có thể giảm đi một nửa.

Với mục tiêu điện mặt trời chiếm 40% tổng nguồn cung năng lượng vào năm 2025, chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Dự án điện mặt trời Victor Phelan 22 MW ở San Bernardino, California, Mỹ. Ảnh: Recurrent Energy
Dự án điện mặt trời Victor Phelan 22 MW ở San Bernardino, California, Mỹ. Ảnh: Recurrent Energy