Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các thành viên NATO xem xét đẩy mạnh tăng chi tiêu cho quốc phòng

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành viên NATO đang thảo luận về việc tăng mục tiêu chi tiêu quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, theo tờ The Financial Times.

Hiện tại, các quốc gia trong khối do Mỹ lãnh đạo được yêu cầu chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga, số lượng quốc gia tuân thủ mục tiêu này đã tăng đáng kể. Theo ước tính từ NATO vào tháng 6, chỉ có 8 trong số 32 thành viên của khối vẫn chưa đạt được mục tiêu, bao gồm các cường quốc kinh tế như Canada, Ý, và Tây Ban Nha. Mỹ dự kiến chi 3,38% GDP cho quốc phòng trong năm nay, chỉ đứng sau Ba Lan và Estonia, trong khi mức trung bình của khối là 2,11%.

Theo một số nguồn tin, trong hội nghị thượng đỉnh thường niên tại The Hague vào tháng 6 tới, các lãnh đạo NATO có thể tăng mục tiêu ngắn hạn lên 2,5% GDP và tiếp tục hướng đến mức 3% vào năm 2030. Các cuộc thảo luận về ý tưởng này đã bắt đầu từ tuần trước, mặc dù chưa đạt được sự đồng thuận.

Xe tăng Pháp tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender của NATO tại Ba Lan vào ngày 4/3. Ảnh: US Army
Xe tăng Pháp tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender của NATO tại Ba Lan vào ngày 4/3. Ảnh: US Army

Việc ông Donald Trump tái đắc cử được cho là yếu tố thúc đẩy cuộc thảo luận. Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2017 đến 2021, ông Trump đã chỉ trích các thành viên NATO châu Âu vì không chi đủ cho quốc phòng. Một quan chức Đức nhận định cam kết chi tiêu tối thiểu 3% GDP sẽ làm hài lòng ông Trump.

Bộ trưởng Quốc phòng Ý, Guido Crosetto, tuần trước đã đề cập về việc  Ý sẽ buộc phải đạt 2%, và thậm chí là 3% để có thể đáp ứng mong muốn của ông Trump. Ông cho rằng động thái này sẽ đẩy nhanh việc tăng ngân sách quân sự.

Việc nâng mục tiêu chi tiêu cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi các quốc gia châu Âu đang chịu áp lực ngân sách lớn. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Mark Rutte, cho biết ông ủng hộ một mục tiêu cao hơn mức hiện tại.

 "Rõ ràng, với mức 2%, chúng ta không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu hoạt động của NATO," ông nói.

Đồng quan điểm, một quan chức Đức nhấn mạnh việc cam kết đạt 3% GDP cho quốc phòng không chỉ là để làm hài lòng ông Trump mà còn để đảm bảo NATO có đủ nguồn lực đối phó với các mối đe dọa hiện hữu từ Nga.

Lo ngại về khả năng xảy ra xung đột với Nga trong tương lai đã thúc đẩy các nước NATO, bao gồm cả Anh, Pháp, Đức, và Ý, phải cân nhắc tăng ngân sách quốc phòng bất chấp những khó khăn tài chính. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cảnh báo Nga có khả năng tấn công một quốc gia NATO vào năm 2029. Anh dự kiến chi 2,3% GDP cho quốc phòng trong năm nay và đã cam kết tăng lên 2,5%, nhưng vẫn chưa đặt ra thời điểm cụ thể.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, quốc gia chi ít nhất cho quốc phòng với 1,28% GDP, đã tập trung vào việc đạt các mục tiêu khác của NATO, chẳng hạn như dành 20% ngân sách quốc phòng cho nghiên cứu và phát triển. Thủ tướng Pedro Sánchez cho rằng Tây Ban Nha đã có những đóng góp lớn cho NATO bất chấp việc không đạt được mục tiêu 2% GDP.

Việc tăng mục tiêu chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP sẽ là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia NATO, nhưng cũng được coi là cần thiết để đối phó với các nguy cơ an ninh đang gia tăng. Cam kết này dự kiến sẽ được thảo luận và có thể thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm sau.