Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4:

Các Thủ tướng sẽ bàn về công nghệ giám sát tài nguyên nước sông Mekong

Ngọc An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giải pháp chủ yếu sẽ được đưa ra tại Hội nghị lần này là đổi mới phương thức hợp tác, công tác quản lý, điều hành của Ủy hội sông Mekong quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số trong cảnh báo, dự báo, giám sát tài nguyên nước sông Mekong...

Sông Mekong tại quận Sangthong, thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: MRC.
Sông Mekong tại quận Sangthong, thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: MRC.

Chiều 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn cao cấp sẽ sang thăm Lào theo lời mời của Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone và tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ 4 với chủ đề: "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong" sẽ diễn ra vào ngày mai (5/4).

Đây là Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế được tổ chức 4 năm/lần, bắt đầu từ năm 2010 vào ngày 5/4 - ngày ký kết Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995. Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, đại diện của các đối tác đối thoại của Ủy hội, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mekong.

Tại Hội nghị, các Thủ tướng sẽ thảo luận về các thành tựu đã đạt được từ Hội nghị Cấp cao lần thứ 3, xác định các khó khăn, thách thức của lưu vực và đề ra các định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong. 

Lưu vực sông Mê Kông gồm của 6 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar nằm ở thượng nguồn. Tuy nhiên, Trung Quốc và Myanmar không phải là thành viên của Ủy hội mà là đối tác đối thoại. Một lưu vực sông là một thể thống nhất, cần được tất cả các quốc gia có chung lưu vực cùng tham gia một cách toàn diện vào việc phát triển, quản lý, và bảo vệ lưu vực sông nhằm đạt được sự hợp lý, công bằng, và bền vững trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực. 

Hội nghị có sự tham gia của đại diện của Trung Quốc và Myanmar thể hiện sự tiếp tục cam kết hợp tác của hai quốc gia này đối với sự phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mê Kông. Điều này cũng thể hiện mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của tất cả các quốc gia ven sông, từ thượng nguồn tới hạ du, về một lưu vực sông Mê Kông "thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, và bền vững về môi trường và khả năng chống chịu khí hậu" - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với các Thủ tướng Chính phủ của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ thảo luận, xác định các khó khăn, thách thức của lưu vực sông Mekong để đưa ra các định hướng cho sự phát triển bền vững của lưu vực trong giai đoạn tới.

"Các giải pháp chủ yếu sẽ được đưa ra tại Hội nghị lần này đó là đổi mới phương thức hợp tác, công tác quản lý, điều hành của Ủy hội sông Mekong quốc tế; các quốc gia cùng lập và thực hiện hiệu quả một quy hoạch tổng thể thống nhất toàn lưu vực; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số trong cảnh báo, dự báo, giám sát tài nguyên nước sông Mekong, bảo vệ môi trường sinh thái; và tăng cường sự tham gia của cộng đồng, người dân vào quá trình ra quyết định" - Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Bên cạnh đó, những giải pháp cụ thể cũng sẽ được thảo luận để dẫn đến thống nhất thực hiện giữa các quốc gia của thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Cụ thể, cần thực hiện đầy đủ, thực chất và hiệu quả hơn nữa Hiệp định Mekong năm 1995 cũng như Bộ các thủ tục, quy định, hướng dẫn kỹ thuật; đổi mới phương thức hợp tác, công tác quản lý, điều hành các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế thông qua việc lập và thực hiện hiệu quả một quy hoạch tổng thể thống nhất toàn lưu vực, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số trong cảnh báo, dự báo, giám sát tài nguyên nước sông Mekong, bảo vệ môi trường sinh thái, và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định; nâng cao vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong thực hiện cam kết của các nước thành viên.

Đồng thời hỗ trợ các quốc gia trong khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước sông Mekong trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, các giá trị tự nhiên của dòng sông; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, áp dụng mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các hoạt động của Ủy hội cũng cần hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động bởi các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu, đặc biệt là hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai và dịch bệnh gây ra.

Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi thông tin về tình hình lưu vực, về khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực và về chế độ vận hành của các bậc thang thủy điện trên sông Mekong; tiến tới thiết lập một quy trình quản lý và vận hành các công trình bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong và hệ thống chia sẻ số liệu vận hành thời gian thực của các công trình thủy điện này.