Bệnh nhiệt miệng tuy là bệnh lành tính và có thể tự lành sau 1 - 2 tuần, nhưng thật sự không phải là dễ dàng để chịu đựng cảm giác đau rát khó chịu này trong thời gian dài. Một số thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, chống viêm, tốt trong việc chữa lành vết thương, có thể giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả.
Mật ong: Còn gọi là bách hoa cao hoặc bạch mật, thạch mật, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc. Theo y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc; có công năng bổ dưỡng tỳ vị, tăng sinh lực, dưỡng huyết, nhuận phế, nhuận tràng, trị các chứng ho mãn tính, ho ra máu, thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa vi khuẩn…
Bên cạnh tác dụng làm đẹp, chữa lành vết thương, giải độc cơ thể… thì mật ong còn có tác dụng giảm nhiệt miệng. Trong mật ong có chứa hydroperoxide tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm giúp thúc đẩy mau lành vết thương. Nguồn vi chất dinh dưỡng dồi dào trong mật ong như kẽm, sắt, kali,… còn giúp tăng sức đề kháng và ngăn cho nhiệt miệng tái phát.
Có thể bôi trực tiếp mật ong vào vết loét: Sau khi súc miệng bằng nước ấm, dùng tăm bông chấm vào mật ong và thấm nhẹ nhiều lần trực tiếp lên vết loét để mật ong thẩm thấu sâu vào vết thương, để nguyên trong khoảng 5 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm. Thực hiện 2 - 3 lần/ngày và duy trì trong 10 ngày liên tục. Có thể ngậm mật ong trong khoảng 1 phút và đảo đều nhiều lần xung quanh vết thương. Sau đó, súc miệng bằng nước ấm để làm sạch phần khoang miệng và lợi. Thực hiện liên tục 3 - 5 ngày.
Uống nước đậu đen: Rang đậu đen lên (50 -100g) sau đó bỏ vào nước ninh kỹ, lấy nước uống thay nước hằng ngày cho đến khi vết nhiệt miệng lành. Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt nhạt, tính bình, mát, tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Nước đậu đen vừa thanh mát vừa bổ dưỡng.
Các vitamin và khoáng chất trong đậu đen là những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, hỗ trợ cải thiện nhiệt miệng. Người mắc bệnh viêm đại tràng, hay ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không nên dùng.
Nước rau má: Rau má rửa sạch giã nhuyễn hoặc xay xinh tố sau đó ép lấy nước uống hàng ngày sẽ giúp tình hình nhiệt miệng được cải thiện sau vài ngày. Mỗi ngày dùng không quá 40g cây rau má tươi. Theo Đông y, rau má có vị ngọt, hơi đắng nhẹ, tác dụng thanh nhiệt, giải độc và có thể chữa trị nhiều chứng bệnh về răng miệng.
Theo y học hiện đại, rau má khả năng giúp điều trị các vết loét nhiệt miệng hiệu quả vì có chứa triterpenoids có tác dụng làm lành vết thương, chữa nhiệt miệng rất nhanh, tăng cường chất chống oxy hóa tại vị trí vết thương, vết lở loét; tinh dầu trong rau má còn có tác dụng kháng khuẩn. Phụ nữ mang thai không nên dùng.
Trà hoa cúc: Hoa cúc có tính bình, vị ngọt - đắng, tính hơi lạnh, có tác dụng làm dịu thần kinh, thanh nhiệt gan mật, thanh nhiệt cho cơ thể, giúp giảm nhiệt cơ thể khi bị cảm sốt, hay có những cơn bốc hỏa, bốc nóng không rõ nguyên nhân. Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng thường dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Trà hoa cúc có mùi thơm dễ chịu, vị ngon tự nhiên, giúp thư giãn, thanh nhiệt cơ thể và có tác dụng giảm đau, làm lành vết thương rất tốt.
Trong trà hoa cúc có chứa levomenol và azulene, có khả năng sát trùng và chống viêm hiệu quả. Dùng hoa cúc pha nước ấm như trà uống giúp thanh nhiệt cơ thể hoặc dùng súc miệng 3 - 4 lần/ngày cho tới khi khỏi nhiệt miệng. Hoặc dùng túi trà hoa cúc đắp lên vị trí bị vết nhiệt miệng trong vòng vài phút hỗ trợ cải thiện nhiệt miệng.