Các tình huống thường gặp sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, giải quyết thế nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy được đánh giá giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư… Tuy nhiên, tại các phường, xã, việc không sử dụng sổ hộ khẩu liên quan đến một số thủ tục vẫn còn gặp vướng mắc, bất cập.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy đã chính thức được hủy bỏ, thay vào đó là căn cước công dân (CCCD), tài khoản dịch vụ công hoặc tài khoản VneID.

Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thanh Xuân Bắc 
Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thanh Xuân Bắc 

Liên quan đến vấn đề này trong việc giải quyết TTHC trong lĩnh vực Tư pháp, công dân phải đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua tài khoản dịch vụ công của bản thân, thúc đẩy công dân sử dụng và cập nhật thông tin trên phần mềm, từ đó hướng tới chính phủ điện tử quản lý trên môi trường số. Công dân đến lấy hồ sơ chỉ cần xuất trình CCCD và giấy tờ liên quan mà không cần dùng sổ hộ khẩu giấy như trước kia.

Theo Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc Nguyễn Hoàng Điệp, hiện tại công dân nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch ở phường Thanh Xuân Bắc chỉ cần ở nhà nộp hồ sơ qua phần mềm dichvucong.gov.vn, sau khi có kết quả chỉ cần mang CCCD và giấy tờ liên quan đến việc giải quyết hộ tịch đến UBND phường để nhận kết quả. Đối với thủ tục liên thông khai sinh + thẻ bảo hiểm + nhập khẩu và thủ tục khai tử + cắt khẩu + trợ cấp mai táng phí công dân chỉ cần thao tác làm tại nhà, sau đó đến UBND phường nhận kết quả bản chính khai sinh và khai tử; sau đó sẽ nhận kết quả nhập khẩu, thẻ bảo hiểm hay tiền hỗ trợ mai táng phí và cắt khẩu qua tài khoản dịch vụ công mà không phải mang đi nhiều lần, rất thuận tiện.

“Về phía chính quyền, việc bỏ sổ hộ khẩu giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước, giúp tăng cường công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội” - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc Nguyễn Hoàng Điệp thông tin.  

Còn các tình huống vướng mắc, bất cập

Việc bỏ sổ hộ khẩu được đánh giá giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư. Tuy nhiên, tại các phường, xã, việc không sử dụng sổ hộ khẩu liên quan đến một số thủ tục vẫn còn vướng mắc, bất cập.

Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thanh Xuân Trung
Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thanh Xuân Trung

Bà Vương Thị Quyên - Cán bộ tư pháp phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, công dân làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn tại phường thì UBND phường cần xác định xem công dân có hộ khẩu tại phường từ thời gian nào; tuy nhiên, UBND phường chỉ tra cứu được công dân đang có hộ khẩu thường trú tại đâu.

Cùng với đó, trường hợp CCCD của công dân không có ngày, tháng sinh cũng không tra cứu được. Do cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ nên có những trường hợp vẫn ở nơi thường trú cũ. Trong khi đó, cán bộ UBND phường cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức tra cứu dữ liệu cư trú của công dân…

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, căn cứ theo Luật Cư trú 2020, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu sẽ bị “khai tử”, thay vào đó là các giấy tờ thay thế khác theo quy định như: CCCD; Chứng minh nhân dân; Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhưng không phải tất cả người dân đều có thể hiểu ngay được cách thức sử dụng hệ thống tra cứu để thay thế sổ hộ khẩu như thế nào và vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề chưa khắc phục được như thông tin còn thiếu, sai sót, chưa cập nhật nên dễ xảy ra bất cập, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Cụ thể: Công dân làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại phường thì UBND cần xác định xem công dân có hộ khẩu tại phường từ thời điểm nào. UBND phường chỉ tra cứu được công dân đang có hộ khẩu thường trú tại đâu; CCCD không có ngày tháng năm sinh sẽ không tra cứu được; Cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ…

Do đó, tại một số cơ quan nhà nước sẽ yêu cầu người dân xin xác nhận cư trú thay sổ hộ khẩu. Đối với những trường hợp này, nếu các giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu chưa đáp ứng đủ yêu cầu về thông tin, người dân vẫn phải thực hiện theo hướng dẫn và yêu cầu của cán bộ cơ quan nhà nước để thực hiện cập nhật các thông tin còn thiếu, sửa đổi những thông tin sai sót.

“Tuy nhiên, với một số cán bộ UBND xã/phường cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức tra cứu dữ liệu trên hệ thống nên có thể xảy ra tình trạng khó giải đáp những thắc mắc của người dân. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cần phải tổ chức các buổi tập huấn thực hành để đảm bảo thực hiện các thủ tục được hiệu quả hơn” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần