Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các yếu tố đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nền kinh tế nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển với nhiều yếu tố đảm bảo nhận định này, trong đó phải kể đến cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năng lực sản xuất phát triển cùng với chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, liên tục

Văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Nhận định cơ bản trên đây xác định vị trí nền kinh tế nước ta trên đà phát triển, dựa trên những căn cứ cụ thể, toàn diện và hệ thống.

Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khoá X tại Đại hội XI, chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001 – 2005, đạt 42,9% GDP.

Mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng tài chính về suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nước ta vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá cao. Chỉ tính trong 5 năm 2006-2010, tổng vốn FDI thực hiện đạt 45 tỉ USD vượt kế hoạch 77,8%. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 146,8 tỉ USD, gấp 2,7 lần kế hoạch và gấp hơn 7 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Tổng vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỉ USD, gấp hơn 1,3 lần so với mục tiêu đề ra. Giải ngân ước đạt 13,8 tỉ USD, vượt 17,5%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2010 tính theo giá trị thực tế đạt 101,6 tỉ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000. GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD.

Nhìn tổng thể, hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá.

Ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện rõ. Cùng với đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thu công nghiệp… đã tác động tích cực đến sản xuất và xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng từng bước được nâng cao về khả năng cạnh tranh bảo đảm cung cầu của nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao được đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH.

Cơ cấu công nghiệp trong GDP tăng từ 41% năm 2005 lên 41,1% năm 2010; dịch vụ tăng từ 38% năm 2005 lên 38,3% năm 2010. Nông nghiệp từ 21% năm 2005 giảm xuống 20,6% năm 2010. Dịch vụ từ 24,7% năm 2005 lên 29,4% năm 2010. Giai đoạn 2006-2010, doanh nghiệp nhà nước tăng hơn 2,3 lần về số doanh nghiệp và 7,3 lần về vốn so với 5 năm trước.

Những yếu tố bảo đảm nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

Có nhiều yếu tố, tiêu chí xác định nền kinh tế ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, song có thể căn cứ những yếu tố chủ yếu sau:

Một là, quy mô, thực lực của nền kinh tế tăng lên không ngừng. Như đã nêu ở phần trên, quy mô GDP tính theo giá so sánh tăng gấp đôi sau 10 năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2007 – 2008 đạt 0,733, xếp thứ 100/177 quốc gia vùng lãnh thổ thuộc nhóm trung bình cao của thế giới.

Hai là, chuyển dịch theo hướng tích cực cơ cấu nền kinh tế. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng từ 36,7% năm 2000 lên 41,5% năm 2007. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 24,5% năm 2000 xuống 23% năm 2010. Dịch vụ gữ mức 38,9%. Lao động nông nghiệp giảm từ 65,1% xuống còn 50%.

Ba là, phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế, quá trình CNH-HĐH đã giúp cho năng lực sản xuất tăng, một số sản phẩm chủ lực của nền kinh tế đã hình thành, phát huy tác dụng. Từ năm 2001 đến năm 2010, sản lượng thép tăng 4,4 triệu tấn; than tăng 30,4 triệu tấn; xi măng tăng 37,2 triệu tấn; điện tăng 62,4 tỉ kWh; phân hoá học tăng 1,6 triệu tấn; nhiều sản phẩm đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Bốn là, công nghiêp xây dựng phát triển khá, một số ngành công nghiệp mới đang hình thành. Sản phẩm công nghiệp đa dạng về chủng loại nâng cao về chất lượng. Đã hình thành hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất trên phạm vi cả nước, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng.

Năm là, tăng nhanh lượng vốn đầu tư toàn xã hội, nhiều vốn đầu tư được cải thiện đã thu hút xã hội vượt chỉ tiêu, trong đó vốn trong nước chiếm 70%. Vốn FDI và ODA không ngừng tăng lên, trở thành nguồn vốn đáng kể trong nền kinh tế. Cơ cấu đầu tư chuyển biến tích cực, đầu tư nước ngoài và đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng. Đầu tư nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, chương trình trọng điểm, mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng, vùng nghèo, vùng khó khăn.

Sáu là, kết cấu hạ tầng phát triển. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng và phát huy tác dụng như đường Hồ Chí Minh, đường nối cảng biển, các cửa khẩu quốc tế, các quốc lộ hướng tâm vành đai; nâng cao năng lực vận chuyển đường sắt; xây dựng kết cấu hạ tầng và điều kiện sống nông thôn; sơ sở hạ tầng đô thị, khu công nghiệp được đầu tư cơ bản.

Bảy là, ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù thế giới và khu vực có nhiều biến động về kinh tế, nhưng cơ bản các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân vẫn đảm bảo. Ngân sách nhà nước được cải thiện, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia ở mức an toàn.

Tám là, cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư, dự trữ ngoại hối so với năm 2000 tăng lên. Năm 2001 thặng dư tài sản vốn bằng 0,7% GDP, đến năm 2008 khoảng 16,2%, gấp 23 lần so với 2001; lượng kiều hối cũng tăng mạnh.

Chín là, chính sách tiền tệ điều chỉnh linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ có hiệu quả hơn tạo cơ sở  cho nền kinh tế phát triển./.