Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lý Sơn thành đặc khu: kỳ vọng bước ngoặt phát triển cho đảo tiền tiêu

Kinhtedothi-Lý Sơn chính thức mang tên gọi mới - đặc khu Lý Sơn, đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình mang tính lịch sử của đảo tiền tiêu giữa trùng khơi.

Ngày 30/6/2025, người dân Lý Sơn hân hoan dõi theo Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Từ hôm nay, tên gọi “huyện đảo Lý Sơn” chính thức đi vào quá khứ, nhường chỗ cho danh xưng mới: đặc khu Lý Sơn.

Điểm cầu Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và cấp xã tại Lý Sơn.

Tại các phiên chợ sớm, những quán cà phê ven đường trên đảo Lớn, đảo Bé…, câu chuyện về sự thay đổi tên gọi là chủ đề chính được người dân bàn luận. Nhiều thập kỷ kể từ khi tách khỏi huyện Bình Sơn, cái tên “huyện Lý Sơn” đã gắn bó, khắc sâu vào tiềm thức bao thế hệ - từ văn bản hành chính, bảng tên trường học, bệnh viện đến những câu chuyện đời thường.

Giờ đây, đảo Lý Sơn bước vào một chương sử mới. Niềm vui, hy vọng hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân đảo - những người con của biển cả kiên cường bám trụ giữa trùng khơi.

Huyện Lý Sơn chính thức trở thành đặc khu Lý Sơn.

Ông Phạm Văn Tân (một người dân trên đảo) chia sẻ: “Ngày xưa, nghe tin huyện đảo Lý Sơn được thành lập, dân vui như Tết. Nay đổi tên thành đặc khu, nghe cũng lạ nhưng kỳ vọng nhiều hơn. Miễn sao dân sống tốt hơn, có đường sá, trường học, bệnh viện khang trang là mừng rồi”.

Với diện tích hơn 10,39 km², dân số hơn 22.000 người, cách đất liền khoảng 15 hải lý, Lý Sơn có vị trí chiến lược đặc biệt - nằm trên tuyến đường biển Bắc - Nam, cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý, là cửa ngõ phía đông của Khu kinh tế Dung Quất.

Không chỉ là “hòn đảo nhỏ” về diện tích, Lý Sơn từ lâu đã mang ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa và quốc phòng. Đây là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa, là nơi bao thế hệ ngư dân quả cảm bám biển, giữ đảo và cũng là “trái tim biển đảo” của tỉnh Quảng Ngãi.

“Giờ đây, khi trở thành đặc khu, Lý Sơn được kỳ vọng sẽ có cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển mới. Bởi lẽ, mô hình phát triển tại nơi này vẫn không thay đổi - đó là phát triển du lịch bền vững. Khi có cơ chế đặc thù, việc hiện thực hóa quy hoạch để trở thành trung tâm du lịch sẽ nhanh hơn”- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn (nay là Bí thư đặc khu Lý Sơn) Nguyễn Minh Trí cho biết.

Trên thực tế, Lý Sơn đã được quy hoạch 1/2.000 và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này. Hiện nay, tỷ trọng ngành du lịch đã chiếm 50% tổng giá trị sản xuất toàn đảo. Chỉ khoảng 5 năm nữa, tỷ trọng du lịch - dịch vụ sẽ đạt khoảng 75%.

Với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, Lý Sơn trở thành "thỏi nam châm" hút du khách.

Nhiều năm qua, huyện đảo đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ về du lịch, thương mại và dịch vụ. Từ cuộc sống truyền thống gắn liền với nghề đánh bắt xa bờ và trồng hành, tỏi, người dân đã linh hoạt chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch. Từ sau năm 2007 - khi có điện lưới quốc gia, Lý Sơn dần đón dòng đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Với tầm nhìn dài hạn, đặc khu Lý Sơn sẽ vận hành nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm. Kỳ vọng lớn của chính quyền là nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức chính trị - hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ông Phan Đình Mười - người dân đảo, gửi gắm: “Nguyện vọng của bà con là chính quyền đặc khu cần có các chương trình hỗ trợ rõ ràng cho nghề biển và phát triển du lịch. Hai ngành này là trụ cột để Lý Sơn thực sự trở thành đặc khu kiểu mẫu”.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: dấu ấn lịch sử cho chặng đường phát triển mới

Lào Cai: dấu ấn lịch sử cho chặng đường phát triển mới

24 Jun, 09:33 AM

Kinhtedothi - Việc sáp nhập tỉnh và đổi mới mô hình chính quyền đang tạo ra bước chuyển lớn trong cách thức tổ chức, vận hành chính quyền tại Lào Cai. Kỳ họp thứ 31 không chỉ thông qua các nghị quyết quan trọng, mà còn là bước chuyển giao trọng yếu, đặt nền tảng pháp lý và hành chính cho bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn sau ngày 1/7/2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ