Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Tủ lạnh là công cụ hữu hiệu để bảo quản thực phẩm, đặc biệt trong mùa Hè. Tuy nhiên, sử dụng tủ lạnh không đúng cách cũng có thể gây hư hỏng thực phẩm, dẫn đến ngộ độc.

Bảo quản không đúng cách dễ bị nhiễm vi khuẩn

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, thời tiết nóng ẩm của mùa Hè là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có trong thực phẩm phát triển mạnh, là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Trong đó, các điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, sự phát triển của các loại côn trùng, ruồi nhặng, thiếu nước sạch, sử dụng nhiều nước đá không hợp vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tủ lạnh là công cụ hữu hiệu để bảo quản thực phẩm đặc biệt trong mùa Hè. Tuy nhiên, không phải cứ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không lo ngộ độc thực phẩm..

Một ngăn tủ lạnh chứa đầy thực phẩm sẽ chặn luồng không khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn. Bên cạnh đó, thực phẩm không được phân loại (thực phẩm sống và thực phẩm chín) hoặc không được sơ chế, không bao gói cẩn thận là nguồn ô nhiễm chéo, gây nhiễm khuẩn thực phẩm.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách dễ bị nhiễm vi khuẩn. Ảnh: Thanh Bình
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách dễ bị nhiễm vi khuẩn. Ảnh: Thanh Bình

Chỉ nhiệt độ đông trên ngăn đá có thể ức chế hầu hết các loại vi sinh vật, nhưng ở các ngăn còn lại, một số loài vi sinh vật chịu được lạnh vẫn phát triển. Do đó, việc thường xuyên vệ sinh tủ lạnh cũng rất cần thiết. Việc lưu trữ thực phẩm đúng vị trí quy định trong tủ lạnh là cần thiết để thực phẩm có thể tươi ngon, giữ được nhiều chất dinh dưỡng.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho biết, vào mùa Hè, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách, không bảo đảm an toàn thì thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như: tả (V. Cholerae), thương hàn (Salmonella), lỵ (Shigella), E.Coli ... Khi con người ăn phải một số lượng đáng kể những vi khuẩn này sẽ bị ngộ độc bởi độc tố của chúng.

Không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thực tế, bất kỳ thực phẩm nào bảo quản trong tủ lạnh cũng sẽ để được lâu hơn rất nhiều so với để bên ngoài, nhưng không vì thế mà lạm dụng, bảo quản thời gian vô hạn. Bởi nếu để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu sẽ sinh độc tố, gây hại sức khỏe.

Do cấu trúc tế bào và thành phần hóa học khác nhau nên thời gian trữ đông của các loại thực phẩm cũng không giống nhau. Ví dụ như ở nhiệt độ âm 17 độ C, thời gian an toàn để trữ đông thịt bò dao động từ 3 đến 4 tháng, thịt lợn từ 3 đến 6 tháng, thịt gà khoảng 12 tháng. Chưa tài liệu nào cho rằng thời gian bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ âm 17 độ C có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm.

Bất kể loại thực phẩm nào để trong tủ lạnh quá lâu, thành phần cũng bị biến đổi. Thực phẩm không có dấu hiệu ôi thiu nhưng khi chế biến không thể thơm ngon như lúc tươi sống. Tốt nhất là mỗi gia đình cố gắng ăn hết sớm, không nên để thực phẩm quá lâu.

Để việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được hiệu quả và tươi ngon, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, các bà nội trợ nên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh. Trong tủ lạnh hay có hiện tượng đọng đá. Nước đá đọng lại mang vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn.

Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu người dân để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng “nhiễm chéo” vi khuẩn từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.

Chi Cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người dân không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh; nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu cần bỏ đi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết.

Để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh an toàn, các chuyên gia y tế lưu ý, thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm. Dù để trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín. Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô... nên được bọc kín bằng giấy bạc.

Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh là mặt kính sát với ngăn rau củ, đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó, đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ "mát" như sữa chua, bánh ngọt.