Nhưng sau đó, cả hai phải thực hiện cải cách thị trường vàng theo hướng tự do hóa và đã đạt được các thành công đáng kể.
Từ cấm đoán sang tự do hóa thị trường vàng
Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới với nhu cầu mỗi năm lên đến 800 - 900 tấn vàng. Vàng giữ một vị trí rất quan trọng không chỉ trong văn hóa ở Ấn Độ, mà còn trong nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, Ấn Độ phải nhập khẩu toàn bộ mặt hàng kim loại quý. Vàng là một trong 5 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của quốc gia Nam Á. Do đó, chính phủ Ấn Độ cố gắng giảm thiểu tác động từ việc nhập khẩu vàng đến cán cân thương mại và tài khoản vãng lai trong cán cân thanh toán của Ấn Độ.
Với vị trí quan trọng như vậy nên chính quyền New Dehli đã có những thay đổi về chính sách nhằm định hướng và kiểm soát, quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn. Năm 1990, Ấn Độ đã bãi bỏ Luật Kiểm soát vàng và vàng được coi như là một loại ngoại tệ.
Bắt đầu từ năm 1991, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu cho phép nhập khẩu vàng tự do, từ đó tạo ra thu nhập từ thuế nhập khẩu. Để đưa chính sách tự do hóa thị trường vàng vào thực tế, từ năm 1994, Ấn Độ cho phép các cá nhân vận chuyển vàng vào nước này. Đến năm 1997, các ngân hàng thương mại ở Ấn Độ được tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu vàng.
Năm 1999, Chính phủ Ấn Độ thực hiện huy động vàng nhàn rỗi thông qua chương trình gửi vàng, tạo cơ hội cho những người sở hữu vàng kiếm được tiền lãi từ thu nhập. Đến năm 2003, Ấn Độ chính thức đưa vàng vào hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ nhằm tạo thị trường cho việc giao dịch vàng và dễ dàng trong quản lý.
Việc tiếp cận và sự tiện lợi của việc sở hữu vàng đã đạt đến đỉnh cao vào năm 2007 với sự ra mắt của Quỹ giao dịch vàng (ETF) ở Ấn Độ. Việc số hóa vàng mang lại sự linh hoạt trong đầu tư, bảo đảm chất lượng và lưu trữ vàng.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến 2013, Ấn Độ đã có các đợt tăng thuế nhập khẩu vàng từ 2% lên 10%. Quy tắc 80:20 cũng được áp dụng trong thời gian này, theo đó, giới chức Ấn Độ quy định ít nhất 20% lượng vàng nhập khẩu phải được xuất khẩu trước khi đưa các lô hàng mới vào. Các DN chỉ được phép nhập khẩu lô tiếp theo khi đã hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu trước đó.
Tuy nhiên, đến năm 2014, quy tắc 80:20 đã bị bãi bỏ và lệnh cấm nhập khẩu tiền vàng được dỡ bỏ. Vào năm 2015, với ước tính khoảng 23.000 - 24.000 tấn vàng được giữ trong các hộ gia đình và cơ sở tôn giáo trên toàn quốc, Ấn Độ khởi động lại kế hoạch tiền gửi vàng với tên gọi là Kế hoạch tiền tệ hóa vàng. Cũng trong năm đó, trái phiếu vàng nước ngoài được cho ra mắt nhằm giảm nhu cầu về vàng của người dân, đồng thời chuyển một phần lượng vàng nhập khẩu hàng năm cho mục đích đầu tư sang tiết kiệm tài chính.
Đặc biệt hơn, cuối tháng 6/2022, Ấn Độ chính thức ra mắt sàn giao dịch vàng quốc tế đầu tiên khi nước tiêu thụ kim loại quý lớn thứ hai thế giới cố gắng mang lại sự minh bạch cho thị trường kim loại quý này. Sàn giao dịch vàng quốc tế Ấn Độ (IIBX), có trụ sở tại Gujarat International Finance Tec-City ở phía Tây bang Gujarat, sẽ niêm yết giá cả và quản lý các lệnh mua - bán tốt nhất qua đó tối thiểu hóa các điểm tỷ giá.
Nhờ những chính sách tự do hóa thị trường kết hợp chính sách kiểm soát và quản lý, Ấn Độ đã ngăn chặn được đáng kể hoạt động buôn lậu vàng, đồng thời huy động được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế.
Trung Quốc phát huy vai trò của Sở Giao dịch vàng Thượng Hải
Trước năm 2001, chính quyền Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) độc quyền thị trường vàng trong nước.
Tuy nhiên, việc PBoC độc quyền phân phối và kiểm soát giá khiến giao dịch trên thị trường bất ổn định, giá cả không tuân theo quy luật cung cầu, vàng nhập lậu tăng mạnh. Chính vì vậy, những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước tự do hóa thị trường vàng.
Để quản lý thị trường vàng hiệu quả mà vẫn bảo đảm nhu cầu kinh doanh mặt hàng kim loại quý của người dân, Trung Quốc đã thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia vào tháng 11/2001, hoạt động độc lập như một Sở Giao dịch Chứng khoán.
Đến tháng 10/2002, Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) chính thức đi vào hoạt động. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay (spot gold). Sản phẩm được phép giao dịch lúc đầu là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sau đó mở rộng sang các kim loại quý khác như bạch kim và bạc. Để thực hiện giao dịch vàng vật chất, SGE có hệ thống thành viên là các công ty cung cấp dịch vụ lưu kho, bảo quản và giao nhận vàng. SGE có hệ thống thành viên là các tổ chức kinh tế trong nước, gồm: các công ty kinh doanh vàng; các định chế tài chính và các thành viên chủ chốt.
Từ năm 2006, PBoC cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép giao dịch vàng miếng trên sở giao dịch SGE. Nhờ đó, vàng trở thành kênh đầu tư tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân. PBoC có cơ chế quản lý linh hoạt trong việc cho phép các đơn vị xuất hoặc nhập khẩu vàng khi có chênh lệch giá, đồng thời cũng cho phép các ngân hàng thương mại được cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, PBoC cũng có thể trực tiếp mua bán can thiệp thị trường nhằm bình ổn giá, hạn chế tình trạng buôn lậu vàng.
Đến giữa năm 2007, PBoC chấp thuận cho một số ngân hàng nước ngoài gồm HSBC, Standard Chartered, UBS AG và Bank of Nova Scotia (BNS) trở thành thành viên của SGE.
Về thị trường bán lẻ, Trung Quốc chỉ được phép bán vàng trang sức qua các cửa hàng bán lẻ trang sức vốn chịu sự quản lý của chi nhánh PBoC tại địa phương. Tất cả giao dịch vàng thỏi đều phải được thực hiện thông qua Sàn Giao dịch vàng Thượng Hải.
Với sự ra đời của SGE, giao dịch vàng miếng đã được thực hiện tập trung qua sàn này bằng cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả do cung cầu thị trường quyết định, PBoC không thực hiện quy định giá đối với giao dịch vàng miếng. Đây là sự kiện đánh dấu sự chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc.
SGE mới đây đã công bố kế hoạch thành lập một nền tảng giao dịch mới đặt tại Khu Thương mại Tự do Thượng Hải nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trực tiếp. Về lâu dài, SGE dự định sẽ tích hợp hệ thống giao dịch này với hệ thống giao dịch hiện tại nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa thị trường vàng.