Vựa nông sản của châu Á và thế giới
Nông nghiệp luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với các nước Đông Nam Á khi chiếm hơn 25% GDP ở một số quốc gia. Đối với Myanmar, lĩnh vực này cung cấp hơn 40% tổng số việc làm.
ASEAN đang là nguồn cung cấp nông sản chính cho nhiều thị trường lớn trên thế giới. Điển hình, Indonesia, Thái Lan và Malaysia trồng khoảng 3,3 triệu tấn cao su mỗi năm, chiếm khoảng 70% sản lượng thế giới.
Indonesia và Malaysia là những nhà sản xuất dầu cọ chính của khu vực Đông Nam Á và cung cấp gần 90% sản lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Indonesia còn là nước sản xuất ca cao lớn thứ ba thế giới, khi cung cấp khoảng 450.000 tấn mỗi năm, và là quốc gia sản xuất chè lớn thứ tám thế giới theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc.
Philippines là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu dừa và dứa lớn nhất thế giới, đồng thời là nước sản xuất gạo và đường lớn.
Trong khi đó, Thái Lan luôn là quốc gia dẫn đầu khu vực về xuất khẩu nông sản các thị trường lớn như: châu Âu, Trung Quốc hay Mỹ. Trong đó, một số hàng nông sản của “đất nước chùa vàng” như: thủy sản, cây trồng, vật nuôi đã vượt qua hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt nhất để đến với những thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Lý do đằng sau những thành quả này một phần do khí hậu thuận lợi của khu vực, kết hợp kinh nghiệm canh tác, chi phí sản xuất thấp dẫn đến sự phong phú, giá thành cạnh tranh của các loại nông sản. Lựa chọn đa dạng giúp Đông Nam Á trở thành nơi “chọn mặt gửi vàng” của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, khu vực này được kết nối tốt thông qua các tuyến đường vận chuyển và mạng lưới giao thông chính, tạo điều kiện cung cấp sản phẩm nhanh chóng và đáng tin cậy một cách kịp thời, giảm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lương thực.
Các ngành nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Đông Nam Á cũng ưu tiên tuân thủ các quy định toàn cầu, bảo đảm rằng các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn.
Cách người Thái nâng tầm xuất khẩu
Các nước Đông Nam Á cũng có những chính sách riêng để ngày càng đáp ứng thị hiếu của các khách hàng khó tính tại thị trường lớn, đồng thời áp dụng công nghệ cao vào nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một ví dụ là chính phủ Bangkok luôn xem trọng việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc của giống cây nông nghiệp, trừng phạt nghiêm khắc những người cung cấp giống vi phạm quy định hoặc thiếu chất lượng, đồng thời dồn trọng tâm vào đa dạng hóa chủng loại nông sản nhằm thỏa mãn nhu cầu người dân trong nước và quốc tế.
Thái Lan là quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào phát triển nông nghiệp nhằm tăng chất lượng hàng nông sản, điển hình là áp dụng công nghệ sinh học nông nghiệp như: máy bay không người lái (drone), robot do các công ty hàng đầu giới thiệu.
Năm 2019, Chính phủ Thái Lan thực hiện giải ngân 330 triệu USD từ Quỹ Năng lực cạnh tranh để giúp thành lập Học viện công nghệ cao nhằm thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư nước ngoài.
Để khuyến khích nông dân sử dụng công nghệ số trong hoạt động, từ năm 2020, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan đã trao cho nông dân và các DN cộng đồng các khoản tài trợ từ 10.000 THB (300 USD) tới 300.000 THB (9.000 USD). Đến nay, một số hộ nông dân ở Thái Lan đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (drone) trong các hoạt động nông nghiệp như gieo hạt và phun thuốc trừ sâu.
Drone cũng đã được sử dụng trong nông nghiệp ở các quốc gia khác ở Đông Nam Á cho các mục đích như dự báo thời tiết, quản lý thiên tai, đánh giá thiệt hại cây trồng, giám sát và lập bản đồ mùa màng.
Mặt khác, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) cũng đang tạo ra sự khác biệt đáng kể trong lĩnh vực, giúp tự động hóa các quy trình chẳng hạn như điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng trong các trang trại. AI có thể giám sát các chi tiết nhỏ để giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh hơn, như việc xác định số lượng và chất lượng thức ăn thực vật trong đất.
Về cơ bản, AI sẽ ghi lại các mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất và phân tích dữ liệu có thể bảo đảm rằng nông dân có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về năng suất và hiệu quả. Các quốc gia Đông Nam Á đang dần áp dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa năng suất và chất lượng nông sản.
Thúc đẩy xuất khẩu
Năm 2022, Malaysia đã tổ chức Hội chợ triển lãm hàng nông sản quốc tế Malaysia (MIACES) tại Kuala Lumpur với chủ đề “Thúc đẩy ngành hàng hóa trong hệ sinh thái bền vững”. Sự kiện này đã thu hút hơn 350 DN đến từ 39 quốc gia trên thế giới tham gia, trong đó có Việt Nam.
Với hơn 20 diễn giả trình bày tham luận, hội chợ này đã nêu bật các chủ đề liên quan đến ngành hàng nông sản như sử dụng công nghệ chuỗi khối giúp tiếp cận thị trường; thỏa thuận tự do thương mại Malaysia - Thổ Nhĩ Kỳ; cải cách tính bền vững trong thị trường nông sản; khởi nghiệp với mô hình nông trại và việc tuyển dụng, đào tạo trong lĩnh vực này...
Đặc biệt, với trung bình 15 triệu du khách đến tham quan hằng năm, “đất nước chùa vàng” biết tận dụng lợi thế du lịch và các lễ hội truyền thống như: Lễ hội tên lửa Bun Bang Fai, Lễ hội Lâu đài sáp, Lễ hội ăn chay,... để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông nghiệp với du khách trên thế giới, tiến tới xuất khẩu hàng nông sản tại chỗ.
Bộ Thương mại Thái Lan đã chủ động thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản nước này tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới thông qua một loạt các sự kiện quốc tế trong tháng 6/2023 như: Triển lãm “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2023” tại Bangalore, bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ; tham gia “Hội chợ quốc tế Tây Trung Quốc (WCIF)” tại Tứ Xuyên, Trung Quốc; dẫn đầu một phái đoàn thương mại đàm phán tại các nước Mỹ Latinh, như: Argentina, Chile và Brazil; tham gia “Hội chợ triển lãm tốt tự nhiên 2023” tại Sydney, Australia.
DN Indonesia liên kết với các DN nước ngoài trong khu vực nhằm nâng tầm nông nghiệp, thu hút nhiều hơn đầu tư từ nước ngoài và các công ty trong nước.
Sau Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2011, mối quan hệ đối tác vì nông nghiệp bền vững giữa DN “xứ vạn đảo” và DN trong khu vực đã được hình thành và phát triển để thúc đẩy đầu tư nông nghiệp khu vực tư nhân và đạt được mức tăng 20% về sản lượng các mặt hàng như ngô, đậu nành, gạo, gia cầm, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.