Cách Hapro làm thương hiệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sau 4 kỳ lựa chọn THQG đã 3 lần liên tiếp được vinh danh, qua đó hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Việt.

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu của Hapro, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành Hapro bày tỏ, đó là chuyện cũ nhưng lại rất mới trong bối cảnh hội nhập, nếu DN không kiên trì theo đuổi, có hướng đi riêng và bảo vệ thì việc mất thương hiệu vào tay DN nước ngoài là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, để ngăn chặn việc thương hiệu Hapro bị DN nước ngoài “thâu tóm”, bên cạnh xây dựng các bộ nhận diện thương hiệu nhánh, Hapro đã đăng ký bảo hộ 64 nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Hapro còn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ và 22 quốc gia theo Nghị định thư Madrid về thương hiệu.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Hapro Đông Anh.  	Ảnh: Thu Hương
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Hapro Đông Anh. Ảnh: Thu Hương
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ và có nhiều DN nước ngoài muốn thâu tóm các thương hiệu trong nước, để xây dựng thương hiệu, mọi lĩnh vực hoạt động của DN đều cần có sự định hướng chiến lược cụ thể và sách lược qua từng thời kỳ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại nội địa, Hapro nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện cho hệ thống nội địa của mình từ khâu kiểm soát chất lượng nguồn hàng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các điểm bán lẻ đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng. Trong lĩnh vực xuất khẩu, bên cạnh duy trì thị trường truyền thống, Hapro đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới như châu Phi, Mỹ Latinh, Tây Nam Á... Trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, Hapro đều gắn logo THQG vào sản phẩm, qua đó khẳng định thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu...

Mặc dù Chương trình THQG đã hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên Hapro là DN Nhà nước với số lượng đơn vị thành viên tới 34 đơn vị nên sau khi đạt được danh hiệu THQG, việc phổ biến, sử dụng kết hợp thương hiệu theo đúng quy định của chương trình không hề dễ dàng. Thậm chí trong quá trình chuẩn bị hồ sơ tham gia Chương trình THQG gặp không ít khó khăn bởi Hapro có cấu trúc thương hiệu đa dạng gồm thương hiệu mẹ Hapro và các thương hiệu nhánh như: Gốm cổ truyền Chu Đậu, vang Thăng Long, thời trang Hafasco…

Để có những thương hiệu mạnh, không chỉ mang tầm quốc gia mà còn vươn ra thế giới, theo lãnh đạo Hapro, tới đây, Bộ Công Thương cần có những chương trình hành động phù hợp với thực tế. “Trong thời gian tới, công tác truyền thông, quảng bá cho chương trình cần được triển khai mạnh mẽ tới các cơ quan hành chính, xúc tiến thương mại để các DN đạt THQG được nâng tầm, tôn vinh hơn nữa. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ DN đạt THQG tham gia các hoạt động triển lãm trong và ngoài nước, qua đó giúp DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Giới thiệu các DN đạt thương hiệu tới toàn bộ các cơ quan đại diện Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm giúp DN tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu...” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành Hapro kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần