Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách làm mới chống “cát tặc”

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực bảo vệ tài nguyên khoáng sản, khai thác hiệu quả, tránh thất thoát được TP Hà Nội định hình bằng việc đưa vào đấu giá quyền khai thác tại 6 điểm mỏ cát trên địa bàn.

Mục đích của việc đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP được nêu rõ ràng là nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Qua đó, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút khai thác đầu tư có hiệu quả nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, công tác này sẽ giúp tăng nguồn thu về cho ngân sách Nhà nước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 100 tỷ đồng dự kiến được thu về sau khi đấu giá. Thực tế, thời gian qua, vấn đề kiểm soát nguồn tài nguyên vẫn khiến cơ quan chức năng đau đầu. Những hành vi khai thác cát trái phép, sai phép, thậm chí là không được cấp phép dẫn theo nhiều hệ lụy về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ngân sách Nhà nước bị thất thu. Một trong những nguyên nhân do tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ, vì lợi ích cá nhân mà có hành vi khai thác khoáng sản bất hợp pháp.

Chính vì vậy, việc đưa vào đấu giá sẽ buộc các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải tự nâng cao nhận thức trong việc thực hiện tuân thủ quy định, đảm bảo nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước. Ở môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng với các tổ chức, đơn vị khi tham gia đầu tư, khai thác khoáng sản phải xây dựng mô hình hoạt động tuân thủ pháp luật, đủ uy tín nếu không muốn phải rời khỏi cuộc chơi.

Khi thông tin tài sản được đem đấu giá, đồng nghĩa với năng lực của người tham gia đấu giá như: năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác… được công khai, chuyện nhập nhằng về các thông số cơ bản, như diện tích mỏ, trữ lượng, thời hạn, công nghệ khai thác sẽ khó có thể tồn tại. Cả khi đã trúng đấu giá, các tổ chức, cá nhân vẫn phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Quá trình tiến hành khai thác khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng an toàn lao động, khai thác đúng phép. Ngược lại, DN cũng có quyền đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Mặt khác, việc đánh giá kỹ lưỡng cũng tạo điều kiện cho hoạt động phục hồi cho các điểm mỏ sau khi kết thúc khai thác.

Bằng những lợi ích kể trên, có thể nói rằng đưa vào đấu giá là một trong những biện pháp gốc rễ để quản lý, khai thác và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm nhất đối với nguồn tài nguyên khoáng sản.

Tuy nhiên, nói riêng về công tác phòng, chống nạn cát tặc, có lẽ việc đưa vào đấu giá mới chỉ chiếm giữ vai trò nền tảng và khó đạt hiệu quả nếu không được tận dụng. Thực tế, những trường hợp hút trộm cát bị phát hiện thường diễn ra lén lút ở các lòng sông, nơi các con “tàu ma” hiện diện và chỉ bị xử lý bắt quả tang, khó truy thu nguồn tài nguyên đã thất thoát.

Chính vì vậy, song song với công tác kiểm soát khối lượng khai thác trên diện tích đấu giá, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác hậu kiểm, quản lý chặt chẽ phương tiện tàu, thuyền, xe ra, vào mỏ.

Sở TN&MT và các lực lượng chức năng như CSGT đường thủy, TTGT đường thủy cùng chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, ngăn chặn nguồn tài nguyên không rõ nguồn gốc lưu hành. Bên cạnh đó, cần kiểm soát triệt để các bãi tập kết vật liệu xây dựng tự phát dọc theo các con sông.

Các địa phương kiên quyết yêu cầu chấm dứt hoạt động khi chưa đủ thủ tục, hoặc không đủ điều kiện trên địa bàn. Tuyệt đối tránh tình trạng phạt cho có, lập biên bản đều đặn nhưng vẫn để vi phạm tồn tại.