Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách làm mới với quả nhãn lồng

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Hưng Yên trong việc phối hợp cung cấp, tiêu thụ nhãn lồng trên các chuyến bay của hãng.

 Nhãn lồng Hưng Yên trở thành món tráng miệng trên khoang thương gia, được phục vụ trên hơn 70 đường bay trong nước và quốc tế của Vietnam Airlines xuất phát từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 
Để lên được các chuyến bay của Vietnam Airlines, nhãn lồng không chỉ phải đạt tiêu chuẩn VietGap, sở hữu hương vị thơm ngọt, lớp cùi dày mà còn phải trải qua nhiều khâu kiểm tra ATVSTP. Ở khía cạnh văn hóa, đây cũng là cách để gắn kết sản phẩm dịch vụ của DN với hàng hóa của Việt Nam. Việc đưa nhãn lồng Hưng Yên lên máy bay đi khắp các tỉnh, thành trong nước và đến với thị trường quốc tế chính là một cách làm hay và là gợi ý để các sản phẩm nông sản khác có hướng đi tiêu thụ mới. Đây cũng có thể coi là lời giải cho bài toán làm sao để sản phẩm nông sản "được mùa không mất giá" nhiều năm qua vẫn luôn là ám ảnh của không ít địa phương. Thực tế, để tránh đi vào “vết xe đổ” như các sản phẩm nông sản trước đó, tỉnh Hưng Yên đã chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại với sản phẩm nhãn lồng không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn mở rộng ra một số tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tại hội nghị tổ chức tại Hưng Yên mới đây nhất (ngày 12/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự và chỉ rõ: Hưng Yên cần phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm ổn định về chất lượng, đủ lớn về số lượng cho các hợp đồng lớn, thị trường lớn. Đặc biệt là quả nhãn lồng được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường; tránh phát triển phong trào, thiếu kiểm soát, mất cân bằng cung cầu; cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công nghệ bảo quản sau thu hoạch,...

Năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu nông sản ước đạt 40 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng trái cây từ nay đến cuối năm ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt xa dầu thô. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để nông sản Việt đến với các thị trường trong nước và quốc tế, nhưng cách mà tỉnh Hưng Yên làm với quả nhãn lồng trong việc đa dang hóa các kênh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu… rất đáng để nhiều ngành hàng, địa phương khác quan tâm, sớm triển khai, thực hiện. Nếu làm tốt điều này không chỉ có lợi cho người nông dân mà các DN và người tiêu dùng trong, ngoài nước cũng được lợi nhờ có giá cả hợp lý, chất lượng sản phẩm bảo đảm.