Thị trường rộng lớn
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, so với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (1996), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng trưởng nhảy vọt, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên 57,5 tỷ USD năm 2019. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với ASEAN lên đến 67,3 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN lượng hàng hóa trị giá 23,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2021.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang đánh giá, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng Việt hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trên thế giới. Còn trong khu vực châu Á, ASEAN là thị trường lớn thứ hai. Hiện Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore chiếm khoảng 96% thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN. Đặc biệt, cơ cấu xuất khẩu hàng Việt đang chuyển dịch từ mặt hàng nông, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này, các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, thị trường ASEAN có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt nên hàng Việt còn nhiều cơ hội thâm nhập.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Nguyễn Phúc Nam thông tin, hiện thị trường Thái Lan ưa chuộng mặt hàng trái cây sấy khô và các sản phẩm dệt may; Indonesia và Philippines có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, thiết bị viễn thông...
Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều năm xuất khẩu hàng hóa tới các nước ASEAN, Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn cho biết, ASEAN là thị trường không quá khắt khe lại thuận tiện về vận chuyển, logistics giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển kéo theo hoạt động xuất khẩu hàng Việt gặp nhiều thuận lợi.
“Singapore là nền kinh tế không có ngành nông nghiệp, nên nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội. Với lợi thế là cửa ngõ ra thế giới, nơi tập trung nhiều tập đoàn đa quốc gia, xuất khẩu tới Singapore giúp hàng Việt có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng lớn trên thế giới” - ông Lê Anh Tuấn nêu ví dụ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do được hưởng nhiều ưu đãi từ AFTA nên ASEAN là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản. Một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản như tôm, cá ngừ, cá tra… đang tăng cả về sản lượng và giá trị. Tương tự, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường thông tin, hiện Indonesia có nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm nên doanh nghiệp đã xuất khẩu một lượng lớn cà phê, chè, rau quả, gạo sang thị trường này.
Nhiều khó khăn cần khắc phục
Mặc dù ASEAN là thị trường tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu sang các nước trong khu vực, nhưng vẫn còn những thách thức không nhỏ để giữ vững và mở rộng thị phần, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô.
Là doanh nghiệp kinh doanh lâu năm trên thị trường ASEAN, đại diện Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo thừa nhận, việc cạnh tranh ở thị trường ASEAN không hề đơn giản. Riêng với thị trường Thái Lan, sản phẩm Mỹ Hảo cũng chỉ bán được tại các địa phương vùng sâu vùng xa, còn tại Bangkok và những điểm du lịch lớn lại không thể “chen chân” được với sản phẩm Thái Lan.
Phân tích lý do khiến hàng Việt khó “chen chân” vào thị trường ASEAN, các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, nguyên nhân chính là do sự tương đồng nhất định về chủng loại hàng hóa. Ngoài ra hàng vào ASEAN còn phải cạnh tranh quyết liệt với hàng công nghệ cao của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong quá trình xuất khẩu sang thị trường ASEAN doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ những nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Riêng với các mặt hàng nông sản, nhiều hàng rào kỹ thuật cũng được dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước khiến “cánh cửa” để hàng hóa Việt xuất khẩu sang thị trường này ngày càng hẹp hơn.
“Hiện Indonesia bảo hộ nền sản xuất lúa gạo trong nước nên có chính sách quản lý nhập khẩu gạo theo cơ chế cấp phép, và giới hạn chủng loại gạo được phép nhập khẩu. Ngoài ra gạo xuất khẩu sang Indonesia phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật” - ông Đỗ Thắng Hải nêu ví dụ.
Để có chiến lược tiếp cận hiệu quả thị trường ASEAN, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia, từ đó tập trung chuyên sâu về chế biến để tạo sự khác biệt và vượt trội về chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại để hạn chế những rủi ro trong quá trình thực hiện và thanh toán hợp đồng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong hiến kế, để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN đòi hỏi doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại chủng loại hàng hóa phù hợp với thực tế nước sở tại, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số vào quản lý cũng như tiếp cận thị trường, giao dịch với khách hàng.
“Doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, số lượng, đồng thời chú trọng đến tính bền vững với khách hàng. Đây là khâu quan trọng, bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu” - ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Để đưa hàng Việt vào ASEAN, doanh nghiệp cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Đồng thời cần liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, chủ động tìm kiếm hợp tác với những nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Anh