Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách nào kiểm soát phát thải mô tô, xe máy?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô tô, xe máy đang là một trong những nguồn phát thải chính ra môi trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn phát thải này vẫn đang là một bài toán khó chưa có lời giải.

Trong số các phương tiện giao thông phổ biến ở Việt Nam hiện nay, mô tô, xe máy chiếm số lượng áp đảo. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính đến giữa năm 2023, cả nước có khoảng gần 70 triệu mô tô, xe máy.

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có lượng mô tô, xe máy lớn nhất với lần lượt là 9 triệu và 7,7 triệu chiếc. Đặc biệt, trong số này, lượng mô tô, xe máy cũ, trải qua thời gian sử dụng hàng chục năm chiếm một lượng không nhỏ với khoảng hơn 6 triệu chiếc ở TP Hồ Chí Minh và gần 3 triệu chiếc ở Hà Nội. Đây chính là nguồn phát thải vô cùng lớn ra môi trường.

Các phương tiện lưu thông trong nền trời bụi mù do ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Các phương tiện lưu thông trong nền trời bụi mù do ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới, mô tô, xe máy chỉ tiêu thụ 56% tổng lượng xăng nhưng lại dẫn đầu về nguồn thải với 94% lượng hydro cacbon (HC), 87% lượng cacbon oxit (CO), 57% lượng nitrogen oxit (NOx)… Tất cả những loại khí thải này đang là thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn.

Với mối nguy lớn mà mô tô, xe máy mang lại, việc kiểm soát phát thải từ loại phương tiện giao thông này là điều cần làm ngay. Trên thực tế, từ nhiều năm trước, chủ đề này đã được đề cập đến và luôn lặp đi lặp lại liên tục trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc kiểm soát phát thải mô tô, xe máy đang gặp vướng mắc lớn về hành lang pháp lý. Điển hình là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe máy.

Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát phát thải mô tô, xe máy, trước tiên cần luật hóa quy định về kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện giao thông này. Một trong những luật được chờ đợi sẽ thực hiện “sứ mệnh” trên là Luật Giao thông đường bộ mới, đang được Bộ GTVT xây dựng.

Trong lần dự thảo mới nhất, Bộ GTVT đã đề xuất mô tô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ bởi nếu không kịp thời kiểm soát phát thải mô tô, xe máy thì lượng khí thải khổng lồ thải ra mỗi năm không chỉ là câu chuyện về môi trường sống mà còn liên quan đến hạ tầng y tế, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn, việc kiểm soát khí thải là cần thiết.

”Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy sẽ bảo đảm phương tiện vận hành an toàn hơn, qua đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng người dân và bảo vệ môi trường” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rẳng, với tốc độ phát triển nhanh chóng về lượng của mô tô, xe máy trong thời gian qua, việc kiểm định phát thải khí thải đối với các loại phương tiện này là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, do mô tô, xe máy đang là phương tiện đi lại của đại bộ phận người dân nên việc kiểm định đối với loại phương tiện này cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

“Phải xây dựng lộ trình phù hợp, trước mắt là đặt trong bối cảnh của từng địa phương, thực hiện thí điểm trước khi thực hiện đại trà” - ông Thanh nói và vạch ra lộ trình phù hợp để thực hiện việc kiểm soát được phát thải mô tô, xe máy.

Trước tiên là đầu tư hệ thống trang thiết bị đo đạc, đánh giá, từ đó đưa ra mức giới hạn về khí thải. Tiếp đó là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, với tiêu chuẩn phương tiện phải đáp ứng để có thể được tham gia giao thông, cũng như chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện không đạt chuẩn nhưng vẫn cố tình ra đường.