Thử mật ong bằng cọng hành tươi
Lấy một lượng nhỏ mật ong cho vào một vật đựng như chén, sau đó nhúng một nhánh hành lá tươi vào chỗ mật ong đó và chờ xem kết quả. Sau một thời gian, nếu thấy cọng hành héo đi thì đó là mật ong thật, ngược lại, mật ong giả bị pha loãng với nước sẽ không làm cọng hành bị héo.
Quan sát: Mật ong thật thường nổi nhiều bọt trên bề mặt. Trong khi đó, mật ong giả thường ít hoặc không có bọt. Hầu hết mật ong thật sẽ kết tinh khi nhiệt độ xuống dưới 14°C và tan chảy ở mức nhiệt trên 20°C.
Mật ong pha đường thường không trong, đục, không có mùi thơm của hoa. Dùng hai ngón tay xoa mật, mật thật sẽ có độ kết dính cao trong khi mật giả có hạt sần sùi hoặc chứa đường.
Nhỏ mật ong vào một cốc nước nguội
Nếu mật vẫn giữ hình dạng là những viên tròn, chìm xuống đáy, không tan thì đây là mật ong thật. Ngược lại, mật ong giả dễ hòa tan trong nước do chúng được làm từ đường hoặc các chất tạo ngọt.
Tận dụng giấy thấm dầu hoặc giấy báo
Nhỏ một giọt mật ong lên. Nếu mật vo tròn, tan chậm hoặc không tan thì là mật ong thật. Trường hợp mật nhanh chóng loãng ra, thấm vào giấy thì không phải mật ong nguyên chất.
Tương tự, nhỏ một giọt lên khăn ăn. Mật lan ra cho thấy lượng nước trong mật tương đối cao. Ngược lại, mật ong nguyên chất rất ít nước, không lan ra xung quanh.
Dùng lửa
Dùng một lượng nhỏ mật ong mẫu cho vào cốc hoặc thìa sạch, hơ lửa cho đến khi nước bay hơi thì để mật nguội tự nhiên. Quan sát nếu phần cặn mềm thì chứng tỏ là mật nguyên chất; phần cặn cứng là mật được trộn với đường.
Dùng muối iot
Để phát hiện mật ong có trộn bột mì, tinh bột hay không, bạn cho một lượng nhỏ vào cốc, đổ nước sôi rồi đợi nguội, cho ít muối iot vào, nếu mật chuyển màu xanh lục, xanh lam chứng tỏ có tinh bột và đường trắng. Nếu mật nổi váng trắng chứng tỏ mật trộn với đường mạch nha.
Dùng trứng gà
Khi thực hiện, bạn chuẩn bị 1 quả trứng gà, tách lấy phần lòng đỏ cho vào tô. Tiếp đó, cho mật ong mẫu vào tô sao cho mật ong ngập hết phần lòng đỏ.
Để yên 5-7 giờ nơi thoáng mát, nếu thấy lòng đỏ trứng chín hoặc tái thì chứng tỏ là mật ong thật. Trong khi đó, lòng đỏ trứng không thay đổi nhiều thì đó là mật giả.
Cho mật ong vào tủ lạnh
Với cách làm này bạn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn so với những cách được gợi ý ở phía trên.
Đổ một lượng vừa phải mật ong vào hũ đựng thủy tinh rồi cho chúng vào ngăn đá của tủ lạnh 7 giờ đến 1 ngày. Khi bạn lấy mật ong ra khỏi tủ lạnh và thấy chúng đặc lại nhưng rất cứng, đôi khi còn lắng một ít cặn như đường thì đó là mật ong giả.
Còn mật ong thật cũng sẽ đặc lại nhưng lại có độ dẻo như kẹo kéo, kẹo mạch nha chứ không hề cứng và dễ gãy, vỡ như mật ong giả, mật ong đã được pha.
Hạn sử dụng của mật ong
Đối với những loại mật ong mang tính chất thương mại và được bán trên thị trường thì hạn sử dụng thường sẽ được ghi cụ thể và trực tiếp lên trên bao bì của sản phẩm. Thời gian để sử dụng một hũ mật ong được mua tại siêu thị sẽ rơi vào khoảng 2 - 3 năm tùy vào kỹ thuật của nhà sản xuẩt.
Còn đối với mật ong nguyên chất, mật ong tự nhiên nếu được bảo quản mật ong đúng cách thì bạn có thể sử dụng chúng trong khoảng vài thập kỷ (tức là vài chục năm).
Cách nhận biết mật ong đã hết hạn sử dụng
Thành phần chính của mật ong là đường, sau thời gian tiếp xúc với không khí thì đường trong mật ong sẽ bắt đầu hút ẩm. Điều này làm cho lượng nước trong mật ong tăng cao dẫn đến các phản ứng hóa học khiến mật ong bị lên men.
Một khi mật ong đã bị lên men, các tính chất của chúng sẽ dần được chuyển hóa và một trong số đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nếu mật ong không còn sử dụng được, bạn sẽ thấy chúng có các dấu hiệu như chuyển sang màu đen, trên bề mặt mật ong có nổi lên các bọt khí màu trắng, có mùi cay nồng khó ngửi, khi nếm thử bạn sẽ thấy có vị chua đắng.
Cách bảo quản mật ong không bị hư
Bảo quản mật ong trong chai, hũ nhựa hoặc thủy tinh, bảo quản mật ong ở nhiệt độ khoảng 21 - 26 độ C. Đặc biệt để mật ong tránh ánh nắng mặt trời, không đặt chai, hũ mật ong xuống nền nhà, tránh nơi có nhiệt độ cao như bếp, lò nướng và không bảo quản trong tủ lạnh.