Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách phương Tây cản bước hòa bình Nga - Ukraine

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Ukraine đã phải hứng chịu bom đạn chiến tranh, như một cái giá khủng khiếp cho sự thất bại trong việc đảm bảo các cuộc đàm phán với Nga được xây dựng từ năm 2014. Nhưng ngay cả khi hòa đàm được thì Kiev cũng không thể ngồi xuống bởi những đồng minh phương Tây của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Điện Elysee, Paris, vào ngày 9/12/2019. Ảnh AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Điện Elysee, Paris, vào ngày 9/12/2019. Ảnh AFP

Những chuyến thăm “trùng hợp” từ phía Tây

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 năm nay. Chỉ 4 ngày sau, tại tỉnh Gomel của Belarus giáp với Ukraine, các nhà ngoại giao Nga và Ukraine đã gặp nhau để bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn. Nhưng các cuộc nói chuyện này đã không mang lại kết quả. Sau đó, vào đầu tháng 3/2022, hai bên gặp lại nhau tại Belarus để tổ chức vòng đàm phán thứ 2 và thứ 3.

Vào ngày 10/3, Ngoại trưởng của Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó các quan chức cấp cao của hai nước tiếp tục gặp nhau tại Istanbul, tất cả nhờ vào sáng kiến của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Cuối tháng đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Çavuşoglu lạc quan: “Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng mối quan hệ hợp tác giữa các bên đã tăng lên. Sự đồng thuận và hiểu biết chung đã đạt được trong một số vấn đề”. Đến tháng 4, Nga và Ukraine được cho đã đạt được dự kiến về một thỏa thuận tạm thời.

Cũng vào thời điểm đó, các lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi tỉnh Chernihiv ở phía Bắc Ukraine, đồng nghĩa với việc Nga tạm dừng các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kiev. Giới chức Mỹ và Anh liên tục rêu rao trên các phương tiện truyền thông rằng việc rút quân này là minh chứng cho thất bại quân sự của Moscow, trong khi phía Nga nhấn mạnh đó là kết quả của một thỏa thuận tạm thời.

Nhưng trước khi thỏa thuận có thể được tiến hành, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson đã đích thân đến Kiev, vào ngày 9/4. Một hãng truyền thông Ukraine là Ukrainska Pravda đưa tin rằng, ông Johnson đã gửi hai thông điệp tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: Thứ nhất, rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “nên chịu áp lực, không nên đạt được thương lượng”; thứ hai, rằng ngay cả khi Kiev ký các thỏa thuận với Điện Kremlin, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng làm điều đó.

Theo Ukrainska Pravda, ngay sau chuyến thăm của ông Johnson, “quá trình đàm phán song phương đã bị tạm dừng”. Vài tuần sau, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Kiev. Sau chuyến đi này, ông Austin đã phát biểu trong một cuộc họp báo từ Ba Lan rằng: “Chúng tôi muốn thấy nước Nga suy yếu”.

Không có bằng chứng trực tiếp cho thấy ông Johnson, ông Blinken và ông Austin trực tiếp gây áp lực buộc Tổng thống Zelensky rút khỏi cuộc đàm phán tạm thời, nhưng có đủ cơ sở cho thấy đây không phải là những chuyến thăm ngoại giao thời chiến để thúc đẩy hòa bình.

Việc phương Tây không sẵn sàng cho phép Ukraine đàm phán với Nga trước các chuyến thăm này thậm chí đã được tóm tắt trong một bài báo phát hành ngày 10/3/2022 trên tờ The Washington Post, trong đó dẫn lời các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chiến lược hiện tại của Washington “là đảm bảo rằng Nga sẽ phải trả giá về kinh tế một cách nghiêm trọng và lâu dài, cũng như tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự nhằm gây ra càng nhiều thất bại cho Nga càng tốt”.

Rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine, kể từ năm 2014, Mỹ - thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Lầu Nam Góc - đã chi hơn 19 tỷ USD để cung cấp đào tạo và trang thiết bị cho quân đội Ukraine. Con số này là 17,6 tỷ USD kể từ khi chiến sự nổ ra. Để so sánh, tổng ngân sách hàng năm của Liên Hợp quốc cho năm 2022 là 3,12 tỷ USD, ít hơn rất nhiều so với số tiền Mỹ chi cho Ukraine hiện nay.

Rõ ràng, việc trang bị vũ khí cho Ukraine, những tuyên bố về việc làm suy yếu nước Nga của giới chức Mỹ, cũng như việc Washington từ chối bắt đầu bất kỳ loại đàm phán kiểm soát vũ khí nào với Moscow, đã góp phần kéo dài cuộc chiến ở Ukraine một cách tồi tệ và không cần thiết.

Châu Âu khó độc lập ngoại giao

Ukraine và Nga là hai quốc gia độc lập, hơn hết là láng giềng của nhau. Điều này có nghĩa là Kiev và Moscow cần chủ động đi đến thỏa thuận và tìm ra giải pháp để chấm dứt xung đột giữa hai nước. Vào năm 2019, sau khi thắng đậm trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine trước Petro Poroshenko - ứng cử viên ưa thích của phương Tây, ông Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không né tránh các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine”.

Vào tháng 12/2019, hai nhà lãnh đạo Zelensky và Putin đã gặp nhau tại Paris, cùng với Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - được gọi là Bộ tứ Normandy. Cuộc gặp này được thúc đẩy bởi ông Macron và bà Merkel. Ngay từ năm 2019, Tổng thống Pháp Macron đã lập luận rằng đã đến lúc châu Âu “cần suy nghĩ lại… mối quan hệ của chúng ta với Nga” vì “đẩy Nga ra khỏi châu Âu là một sai lầm chiến lược sâu sắc”.

Thời điểm đó, Tổng thống Pháp được cho đã hiểu rõ rằng mục tiêu của các cuộc đàm phán không chỉ là về Minsk và Ukraine. Đó còn là về việc tạo ra một “kiến trúc an ninh mới” không cô lập Nga của châu Âu - và cũng không phụ thuộc vào Mỹ. Ông Macron đã bắt đầu phát triển những điểm này vào tháng 2/2021 theo hai hướng, và đã đề cập đến chúng trong cuộc phỏng vấn của ông với Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức tham vấn của Mỹ.

Đầu tiên, ông nói rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã “đẩy biên giới của chúng ta càng xa càng tốt về phía Đông”, nhưng sự mở rộng của NATO đã “không thành công trong việc giảm thiểu các xung đột và các mối đe dọa ở đó”. Nhà lãnh đạo Pháp thừa nhận, việc mở rộng về phía Đông của NATO sẽ không tăng cường an ninh cho châu Âu. Thứ hai, ông Macron chỉ trích việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019, dẫn đến hành động tương tự của Moscow sau đó, khiến châu Âu không được bảo vệ “trước những tên lửa của Nga”.

“Là một người châu Âu, tôi muốn mở một cuộc thảo luận giữa Liên minh châu Âu và Nga” - Tổng thống Pháp nói vào năm 2019. Nhưng tất cả đều hiểu, một cuộc thảo luận như vậy sẽ mở đầu cho việc trao đổi an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh, khiến Mỹ mất lợi thế đáng kể trên các bàn đàm phán với Nga. Đề xuất này của ông Macron cuối cùng đi vào ngõ cụt, không chỉ vì sự do dự ở Moscow mà được cho chủ yếu là bởi không “được lòng” Washington.

Các nguồn tin của truyền thông phương Tây xác nhận, Washington đã bác bỏ các sáng kiến của Tổng thống Macron cũng như các yêu cầu từ các nhà lãnh đạo Putin và Zelensky về việc giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán ngoại giao. Cho đến 4 ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Pháp Macron vẫn tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự leo thang xung đột. Nhưng đó là khi khao khát đàm phán ở Moscow đã cạn, và Tổng thống Putin đã từ chối những nỗ lực của ông Macron.

Để thấy, một chính sách ngoại giao độc lập của châu Âu đơn giản là điều khó thành hiện thực. Nỗ lực bất thành của ông Macron gợi nhớ lại đề xuất của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1989 khi nói về tầm nhìn của ông cho “một ngôi nhà chung châu Âu” trải dài từ Bắc Á sang châu Âu. Một thỏa thuận với Nga cũng không thể thành công khi mà các mối quan tâm của Moscow không được phương Tây xem xét một cách nghiêm túc.

Tất cả các cuộc chiến tranh đều kết thúc bằng đàm phán, vậy liệu các cuộc thảo luận chấm dứt xung đột Nga - Ukraine lúc này đến bao giờ mới có thể được nối lại?