Thực tế hiện nay, rất nhiều khách hàng sở hữu nhiều hơn 2 chiếc thẻ ngân hàng. Trong đó, nhiều khách hàng mở thẻ với tâm lý “ủng hộ” người thân là nhân viên ngân hàng đạt KPI được giao.
Vì thế, nhiều chiếc thẻ gần như kích hoạt xong rồi bị bỏ quên. Dù không phát sinh giao dịch nhưng khi hết thời gian miễn phí, thẻ tín dụng sẽ bị tính phí thường niên.
Cũng có một thực tế khác là không phải ai cũng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ cũng như cách thức sử dụng và trách nhiệm của chủ thẻ khi đăng ký, sử dụng. Vì vậy, hiểu rõ để sử dụng thẻ tín dụng thông minh, hiệu quả và tránh được “bẫy”lãi suất cao, nợ xấu là rất cần thiết.
Hiện nay, người dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hầu hết các mặt hàng, dịch vụ như hóa đơn điện nước, internet, tiền nhà, mua điện thoại, máy tính, ô tô hoặc các chi tiêu mua sắm đơn giản thường ngày... Với tính năng “chi tiêu trước trả tiền sau”, thẻ tín dụng còn được xem như một khoản ngân sách dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp.
Để tránh “vướng” phải các khoản lãi cao và tận dụng được hết các lợi ích của thẻ tín dụng, các ngân hàng khuyến cáo, người dùng nên tận dụng thời hạn miễn lãi một cách thông minh.
Thông thường, thời gian miễn lãi của các thương hiệu Visa, MasterCard, JCB là khoảng 45 ngày. Đối với thẻ tín dụng nội địa, thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày. Tận dụng được khoảng thời gian này sẽ giúp người dùng được “mượn tiền” chi tiêu, phục vụ nhu cầu cuộc sống mà không phải trả phí. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý hoàn trả đủ số dư nợ trước hạn để tránh phát sinh lãi vay và không phải trả phí thanh toán chậm.
Ngoài ra, người dùng còn được tích điểm chi tiêu và hưởng thời gian miễn lãi ở kỳ tiếp theo. Đặc biệt, sẽ không bị cho vào danh sách nợ xấu, không ảnh hưởng xấu tới việc vay vốn và mở thẻ tín dụng sau này.
Một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải chính là rút tiền mặt từ loại thẻ này như những loại thẻ khác. Bản chất của thẻ tín dụng là vay tiền ngân hàng để chi tiêu cá nhân mà không cần sử dụng tiền mặt. Khi rút tiền mặt, ngân hàng sẽ tính mức phí này khá cao, thường rơi vào khoảng 4% tại thời điểm rút.
Việc cập nhật và tận dụng tốt các ưu đãi của ngân hàng cũng giúp người dùng có thể chi tiêu mà vẫn tối ưu tài chính.
Để tránh “bẫy” lãi suất, mỗi khách hàng cần ý thức quản lý tài chính của mình và phải có ý thức trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh.
Hiện việc kiểm tra thông tin tài khoản, thẻ tín dụng thông thường có thể được thực hiện qua số tổng đài để xem có bị nợ ngân hàng hay không. Tuy nhiên, rất nhiều tổng đài ngân hàng thường xuyên bị bận, trả lời tự động khiến khách hàng khó liên hệ được. Vì vậy, khách hàng có thể ngồi nhà để tự kiểm tra thông tin, tài khoản thẻ trên trang web của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) của Ngân hàng Nhà nước.
Khách hàng có thể vào trang web của CIC tại địa chỉ cic.gov.vn, khách hàng sẽ chọn nút "Đăng ký" và từ đó khai báo tất cả thông tin cá nhân theo yêu cầu gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà... Trong đó, cần xác thực khi gửi ảnh chụp mặt trước và mặt sau của căn cước công dân cùng hình chân dung.
Sau khi hoàn tất đăng ký, CIC sẽ gửi thông tin xác nhận về địa chỉ email. Tuy nhiên, để tra cập được thông tin tín dụng phải chờ hồ sơ được phê duyệt và hiện thời gian thông báo là từ 1 - 3 ngày. Do vậy, CIC cũng cho rằng, để hồ sơ được duyệt nhanh hơn khách hàng nên tải ứng dụng (app) CIC về điện thoại thông minh để đăng ký và sử dụng.
Ngoài ra, khách hàng chỉ nên mở tài khoản tín dụng khi cảm thấy cần thiết, không nên mở quá nhiều thẻ sẽ dẫn đến việc khó quản lý chi tiêu. Trước lúc mở thẻ, cần tìm hiểu đầy đủ về quy định các khoản phí phải trả khi sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin để tránh những rủi ro không đáng có về sau.