Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trịnh Bách cho biết, không ai xác định được áo dài chính thức xuất hiện từ bao giờ nhưng chắc chắn không phải xuất phát từ Trung Quốc mà mang màu sắc riêng. Thời gian đó, đặc biệt áo dài nữ trải qua rất nhiều lần cách tân, từ cách làm Tây hóa của áo dài Trần Lệ Xuân, tay lửng, vạt dài, bóp eo… qua các bàn tay thiết kế Lê Phổ, Lê Thị Lưu, Thanh Khánh… đến áo dài thắt dây eo rộ lên ở đất Sài Gòn những năm 1963 và 1964. Đến nay, áo dài mặc với váy đụp là lần cách tân gây tranh cãi nhiều nhất. Người đồng tình thì cho rằng, sự cách tân này kế thừa truyền thống cha ông, vì thời xưa phụ nữ mặc váy ở nhà, khi nhà có khách khoác chiếc áo dài ra thể hiện sự trang trọng. Nhưng nhà nghiên cứu Trịnh Bách khẳng định, bộ trang phục gây tranh cãi kia đơn giản chỉ là bộ áo dân tộc Choang nhập từ Trung Quốc chứ không có sự kế thừa.
Nhóm Đình làng Việt là cái nôi khơi lại giá trị áo dài nam truyền thống trong một thời gian dài bị lãng quên. Nhưng ông Nguyễn Đức Bình - nhà sáng lập nhóm "Đình làng Việt" thừa nhận, không chỉ áo dài nữ chịu sự cách tân, mà áo dài nam còn bị phá cách hơn nhiều lần. Trước đây áo dài nam chủ yếu là các màu trầm, không thêu thùa lòe loẹt chim bay, phượng múa như bây giờ. Áo dài nam thời xưa luôn giữ được vẻ nam tính trong kiểu dáng, luôn đi kèm với khăn đội đầu. Ngày nay, người ta ngại mặc áo dài nam hoặc có mặc cũng phá cách khiến mất chất khiêm nhường. Là một người có tư tưởng cấp tiến, nhà văn Trương Quý cho rằng, chúng ta không nên quá "trông trăng", chỉ có một kiểu mà chấp nhận sự “pop hóa” áo dài như một xu hướng tất yếu. “Để lưu giữ di sản truyền thống, nên chăng chúng ta xuất bản cuốn sách cung cấp kiến thức thế nào là vạt áo nam, áo nữ để mọi người không bị nhầm lẫn và tôn vinh bản sắc Việt trong tà áo dài” - nhà văn Trương Quý bày tỏ.Theo ông Nguyễn Đức Lộc – thành viên nhóm Đình làng Việt, các nữ chính trị gia của Việt Nam đã rất biết sử dụng áo dài trong các dịp lễ trọng đại hoặc các hoạt động chính trị có tầm ảnh hưởng của quốc gia. Không nhất thiết mặc áo dài phải đúng theo cách của người xưa, khi làm lễ tà áo phải kín chân, áo phải hai lớp nhưng các chuyên gia kêu gọi người Việt nên trân trọng áo dài không chỉ vì thời trang mà đó là một di sản. Chấp nhận sự cách tân, nhưng không nên quá khác biệt với truyền thống và càng không thể mặc áo dài với váy đụp.