Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách hành chính tại huyện Thanh Trì: Gắn hiệu quả với trách nhiệm từng cá nhân

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) mới đây, huyện Thanh Trì đã đạt bước tiến cao khi vươn từ vị trí thứ 23 năm 2019 lên thứ 6 năm 2020 trong số 30 quận, huyện, thị xã và đứng đầu khối huyện của TP. Đây là kết quả của nỗ lực không ngừng từ huyện đến các xã, thị trấn trong triển khai những giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, DN khi đến với cơ quan chính quyền.

Công chức bộ phận một cửa UBND huyện Thanh Trì giải quyết TTHC cho công dân.
Chuyển biến tích cực từ người đứng đầu
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Lợi cho biết, đạt được kết quả này chính nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn mà trước hết là chỉ đạo sâu sát của người đứng đầu. Bí thư Huyện ủy thường xuyên đôn đốc, yêu cầu kiểm đếm kết quả thực hiện bằng con số cụ thể. Lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo tăng kiểm tra cơ sở, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức (CBCC) phụ trách CCHC từ huyện đến xã, nhất là tại bộ phận “một cửa”…

Trong các chỉ số thành phần Chỉ số CCHC, điểm điều tra xã hội học đánh giá chỉ số hài lòng của người dân tại huyện năm qua đã được nâng lên rõ rệt, từ chỉ hơn 27 điểm (thứ 30) lên gần 31 điểm (thứ 10). Yếu tố quan trọng giúp tăng hài lòng của người dân mà huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt chính là nâng cao thái độ phục vụ của CBCCVC, nhất là ở bộ phận trực tiếp giải quyết công việc cho công dân; thường xuyên nhắc CBCC thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử.
Việc thực hiện này không chỉ được lãnh đạo quán triệt mà còn gắn vào điểm thi đua hằng tháng của CBCCVC. Lãnh đạo huyện, phòng, ban cũng thường xuyên kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh sai sót trong thực hiện nhiệm vụ của CBCC. Trong giao ban định kỳ có chia sẻ kinh nghiệm của những đơn vị làm tốt việc nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, như thị trấn Văn Điển, xã Tam Hiệp, Ngọc Hồi…

Theo Phòng Nội vụ, cả 6 lĩnh vực CCHC gần đây đều được huyện quan tâm, nhưng trong đó rất chú trọng cải cách bộ máy, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; quan tâm hơn đến trang bị cơ sở vật chất đồng bộ cho bộ phận “một cửa” từ huyện đến 16 xã. Trước đây máy móc thiết bị được đầu tư manh mún, thậm chí có nơi chưa đáp ứng điều kiện làm việc tối thiểu thì nay, các phòng được đầu tư mới, đảm bảo điều kiện làm việc và phục vụ tốt người dân, như: Camera, máy tính kết nối mạng, bàn ghế cho người dân ngồi chờ giải quyết TTHC thấy thoải mái… Năm qua, huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ CCHC cho 110 lượt CBCCVC. Việc tiếp nhận giải quyết TTHC cũng đúng quy trình, không có khiếu nại tố cáo.

Tạo nền hành chính minh bạch

Thời gian tới, huyện Thanh Trì đặt mục tiêu giữ vững và tiến tới nâng cao kết quả Chỉ số CCHC, xác định mặt mạnh để phát huy và phân tích nguyên nhân hạn chế để sớm khắc phục.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, trong Chỉ số CCHC thì chỉ số hài lòng của người dân có ý nghĩa quyết định, nên địa phương sẽ tập trung nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm của CBCC từ huyện đến xã. Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: Phòng đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện thường xuyên quán triệt tầm quan trọng của chỉ số hài lòng này đối với CBCC trong các hội nghị, vì chỉ xao nhãng trong thời gian ngắn, công việc sẽ trì trệ ngay. Chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền sẽ tạo chuyển biến tích cực.

Bà Lê Thị Hồng Đào - công chức Phòng Nội vụ phụ trách lĩnh vực CCHC của huyện cũng chia sẻ, tỷ lệ DVC mức độ 3, 4 còn thấp là một hạn chế lớn khiến Chỉ số CCHC của huyện bị trừ điểm, dù đã đạt hơn 20% nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của TP. Huyện đã đề ra giải pháp khắc phục cụ thể, trong đó tăng tuyên truyền và CBCC trợ giúp người dân sử dụng DVC mức 3, 4.
Cùng đó, để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, chúng tôi sẽ chú trọng công khai các quy định theo Pháp lệnh 34, như thu chi ngân sách, kế hoạch sử dụng đất, điều dân biết dân bàn…, để họ cảm nhận được một nền hành chính thực sự minh bạch.
Từ sự quán triệt thường xuyên của lãnh đạo, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, CBCC chấp hành nghiêm túc hơn. Kết quả CCHC được đánh giá trong giao ban định kỳ của huyện và các xã, trong đó thẳng thắn nêu cụ thể ưu, khuyết điểm từng CBCC, không giấu giếm.

Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Lợi