Cải cách mạnh hơn các thủ tục thuế, hải quan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải quyết thủ tục hành chính tại Cục Hải quan tỉnh Lào Cai. Ảnh: Việt linh

Cuối tuần qua, tại Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016, Chính phủ tiếp tục phát đi thông điệp cải cách hai lĩnh vực thuế và hải quan mạnh mẽ hơn, trong đó, thời gian nộp thuế sẽ rút ngắn thêm 50 giờ (xuống còn không quá 121,5 giờ/năm), vượt mức trung bình của các nước ASEAN - 6; năm 2016 tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN - 4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Điều này đòi hỏi ngành tài chính phải cải cách toàn diện hơn và đồng bộ hơn.

 
Giải quyết thủ tục hành chính tại Cục Hải quan tỉnh Lào Cai. 	Ảnh: Việt linh
Kinhtedothi - Giải quyết thủ tục hành chính tại Cục Hải quan tỉnh Lào Cai. Ảnh: Việt linh
Cắt bỏ phiền hà cho người nộp thuế

Trên thực tế, từ chỗ thời gian giải quyết thủ tục thuế gấp 3 - 4 lần các nước ASEAN, tính đến 1/1/2015, số giờ thực hiện các thủ tục về thuế giảm được khoảng 370 giờ. Theo thống kê của ngành tài chính, mức giảm này tương đương đã cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế. Ngay trong năm 2014, số DN thực hiện kê khai thuế điện tử tăng từ 65% lên 95% và  đến hết năm 2014 là  97%, hơn 12.000 DN tại 18 tỉnh, TP đã đăng ký nộp thuế điện tử. 
Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.  Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận NNT chưa nghiêm túc chấp hành chính sách pháp luật về thuế, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý, sử dụng hóa đơn, để trốn thuế, trục lợi. Trong khi hiện nay, cơ quan thuế vẫn chưa có chức năng thanh tra hành chính nên hoạt động kiểm tra, phát hiện, răn đe đối với các hành vi vi phạm của công chức trong thực thi công vụ chưa hiệu quả.
Ông Bùi Văn Nam 
Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế
 
Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ riêng việc giảm thời gian nộp thuế cũng đã tiết kiệm tới 6,6 ngàn tỷ đồng và trung bình mỗi người nộp thuế cũng sẽ tiết kiệm được 16,5 triệu đồng/năm. Còn nếu giảm 14 ngày cho thời gian xuất khẩu và 16 ngày cho thời gian nhập khẩu (hiện mất 21 ngày) để ngang bằng các nước trong khu vực, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 27,7%. Đó là chưa kể những tác động khác như lợi nhuận của DN, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cũng cho biết, 9 tháng qua, kể từ khi Chính phủ yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh bằng Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, và TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan (Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 4/8/2014), môi trường kinh doanh trong nước đã có nhiều thay đổi đáng kể. Những DN uy tín đã chuyển tâm lý phải nộp thuế sang tâm lý được nộp thuế.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bày tỏ quan điểm những yêu cầu cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực thuế, hải quan là bước đột phá từ những yêu cầu bức thiết, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, DN Việt Nam xoay xở hoạt động trong bối cảnh đầy thử thách vừa qua để có lãi mà nộp thuế đã khó; lo thực hiện các thủ tục để đóng thuế cũng khó không kém! Do đó, trong điều kiện thu ngân sách chật vật, bội chi năm nào cũng tăng, nợ công ở mức cao…, cải cách thủ tục hành chính về thuế là một yêu cầu sống còn của nền kinh tế.
Năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tập trung chuyển cơ chế quản lý thuế từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cùng với đó là hiện đại hóa các quy trình và "xốc" lại đội ngũ cán bộ để các chính sách cải cách đơn giản hóa sớm đi vào cuộc sống, người dân, DN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đinh Tiến Dũng

“Các nước trong khu vực không "ngồi im" chờ chúng ta. Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách 870 giờ/năm dành cho thủ tục thuế của DN Việt Nam so với mức trung bình 171 giờ của họ, nay tiếp tục rút ngắn thêm còn 121,5 giờ chúng ta phải nỗ lực đi thật nhanh. Kết quả ban đầu cho thấy đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên, trước yêu cầu của phát triển, cải cách TTHC thuế cần tiếp tục được thực hiện triệt để hơn nữa…” - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Còn về phía cộng đồng DN, theo Luật sư Vũ Xuân Tiền, qua tiếp xúc với một số DN đã chia sẻ, rất nhiều khâu đoạn, yêu cầu đã được gạch bỏ trên giấy nhưng vẫn bị đòi hỏi trên thực tế. Thậm chí có nơi, cán bộ thuế, hải quan vẫn bắt bổ sung thêm những giấy tờ không có trong quy định mới chịu làm thủ tục. Việc này chưa chắc đã phải để "hành", để "vòi" như trước đây mà có thể là vì thói quen, vì sợ trách nhiệm. Hay một mặt hàng có tới 3 - 4 bộ quản lý, mỗi bộ một yêu cầu, một mẫu kiểm tra khác nhau nhưng giữa các bộ, ngành lại không liên thông khiến DN quay như chong chóng; rồi hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chiếm tới gần 70% hàng hóa xuất nhập khẩu khiến thủ tục vẫn đội lên... Một số chính sách thuế vẫn còn phức tạp, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho người nộp thuế  (NNT). Bên cạnh đó, một số thông tư hướng dẫn ban hành còn chậm gây khó khăn cho DN, người dân. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý triệt để các trường hợp cán bộ thuế có hành vi vi phạm pháp luật… Mặt khác, công tác hoàn thuế VAT còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số hồ sơ thực hiện đúng quy định đạt tỷ lệ thấp (khoảng 50%), số còn lại chưa đảm bảo đúng quy định về thời gian.

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo thuận lợi cho NNT, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia… là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy con đường này vẫn còn lắm “gian truân” đòi hỏi nỗ lực không chỉ ngành tài chính mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan khác trong một mục tiêu chung, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.