Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thể chế để vực dậy doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những con số mới nhất về sự gia tăng của số lượng và chất lượng hoạt động của DN cho thấy, niềm tin của DN đang ngày càng trở lại.

Những con số mới nhất về sự gia tăng của số lượng và chất lượng hoạt động của DN cho thấy, niềm tin của DN đang ngày càng trở lại. Tuy nhiên, hiện, khối DN vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Và cải cách thể chế là giải pháp vực dậy, ổn định và phát triển được nhiều DN tiếp tục kiến nghị.

Thông tin từ Bộ KH&ĐT, tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng, Việt Nam có 165.000 DN, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022.

Điều này cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh của DN đã tăng lên. Các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó khăn của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của DN đã phát huy hiệu quả.

Dù bức tranh DN có nhiều điểm sáng, tuy nhiên, khối này vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024. Theo đó, tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức đã khiến công việc không thông.

Đặc biệt, một số vướng mắc đã được cộng đồng DN phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của DN như: quy định về phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh. Cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã đề xuất. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, không ban hành điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và DN. Đồng thời cần khẩn trương cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Mới đây, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này được đánh giá là "nức lòng doanh nhân". Nghị quyết đã xác định quan điểm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến.