Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thủ tục vì một chính quyền thân thiện

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Tọa đàm trực tuyến “Tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)” do báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức.

Trưởng phòng cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh đánh giá: Năm 2019, Thành ủy tiếp tục xác định rất trúng, đúng chủ đề công tác “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị”. Không chỉ mối quan hệ chính quyền - người dân được cải thiện rõ rệt, mà cải cách TTHC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên từ TP đến cơ sở đã không ngừng rà soát TTHC để tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
"Lấy người dân là trung tâm"
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho biết: TP cũng đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4, đến nay đạt 81%; phấn đấu hết 2019 cơ bản đạt 100%. Với tinh thần "Lấy người dân là trung tâm", bên cạnh thường xuyên rà soát, đơn giản, giảm thời gian giải quyết TTHC của ngành thì Sở chú trọng xây dựng TTHC liên thông với các ngành LĐTB&XH, Công an, BHXH TP. Trong đó, cụ thể hóa thành 15 quy trình liên thông, thời gian tối đa của từng cơ quan, trách nhiệm của các cơ quan từ cấp xã đến TP…
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hải Linh
TTHC liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi khi triển khai DVCTT không chỉ các giấy tờ được cắt giảm mà thời gian cũng được rút ngắn từ 18 - 20 này so với quy định. Tương tự, TTHC liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng phí/hưởng mai táng phí tại TP đã giảm thời gian giải quyết đến 17 ngày làm việc.
Không chỉ ở TP, các quận, huyện, xã, phường cũng có nhiều nỗ lực cải cách TTHC. Tại Hà Đông, UBND quận đã tập trung chỉ đạo các phòng, UBND phường thường xuyên rà soát đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện TTHC. Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND -UBND quận Mai Thị Kim Hồng, đến nay, quận đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đạt 74%; cấp phường đạt 91%.
Từ quận đến phường đẩy mạnh ứng dụng CNTT cung ứng DVCTT; quận áp dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung ba cấp TP ngay từ đầu giúp quản lý và đánh giá định kỳ, đột xuất kết quả giải quyết TTHC thuận lợi, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy định hiện hành giải quyết TTHC tại quận, phường.
Từ đầu năm đến nay, mức hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ đạt trên 95%. Đáng chú ý, điểm mới là quận đã thành lập điểm hỗ trợ công dân thực hiện DVCTT mức độ 3, từ thí điểm tại phường Vạn Phúc tháng 9/2016 đã nhân rộng đến 17 phường còn lại với 2 điểm/phường.
Hỗ trợ gỡ khó cho cơ sở
Dù TP đã đạt kết quả khả quan, nhưng ông Phạm Tuấn Anh cũng nhận định, tình trạng người dân còn gặp khó khi xin cấp phép xây dựng, “sổ đỏ”… đúng là vẫn diễn ra ở nơi này nơi kia và không chỉ ở Hà Nội. Song, TP đã chỉ đạo quyết liệt: Những TTHC lĩnh vực này cần thể hiện minh bạch, công khai toàn quy trình thủ tục giải quyết; trong đó đã cho đầu tư ở các bộ phận “một cửa” quận, huyện, sở, ngành… hệ thống camera giám sát CBCC khi giao tiếp giải quyết TTHC cho người dân; thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ đột xuất.
“Rất mong người dân tích cực phản ánh nếu gặp hiện tượng nhũng nhiễu của CBCC, giúp TP xử lý kịp thời. Không phải hiện tượng phổ biến nhưng sẽ tạo hình ảnh không đẹp cho Thủ đô, cần sự vào cuộc của cả chính quyền, người dân, nhất là báo chí”- ông Phạm Tuấn Anh nói.
Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thạch Thất Đặng Việt Cường cũng đề xuất, bên cạnh cố gắng của bản thân các địa phương, cần hỗ trợ của các cấp, ngành TP tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. UBND huyện cũng đề xuất TP khi chọn thủ tục để tiếp nhận theo DVCTT cần là những hồ sơ có thành phần đơn giản, không yêu cầu chỉnh lý trên bản chính; đề nghị TP sớm số hóa cơ sở dữ liệu hiện có để giải quyết hồ sơ hành chính nhanh, tiện hơn; thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho CBCC; đầu tư thiết bị, hạ tầng kỹ thuật CNTT; thường xuyên điều chỉnh quy trình giải quyết TTHC cho phù hợp.