Cái khó của Liệp Tuyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thì một trong những vấn đề được người dân nơi đây đặc biệt quan tâm là cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục, đào tạo.

Dự án dang dở

Dẫn chúng tôi đến thăm trường Tiểu học xã Liệp Tuyết, ông Nguyễn Đức Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cách đây chừng vài năm, hầu hết các phòng học của trường đều còn rất tạm bợ. Nhiều đoạn tường, trần mái bị nứt, vỡ. Hễ trời mưa là thấm dột, ẩm thấp. Thầy cô và học trò ngồi trong lớp học mà cứ nơm nớp nỗi lo, nhất là những ngày trời mưa to gió lớn. Trước thực trạng đó, năm 2013, trường đã được hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng phục vụ việc cải tạo, nâng cấp. Đến nay, các phòng học đã khang trang hơn và cơ bản đảm bảo an toàn.
Dự án trường Tiểu học xã Liệp Tuyết hiện dang dở. 	Ảnh: Trọng Tùng
Dự án trường Tiểu học xã Liệp Tuyết hiện dang dở. Ảnh: Trọng Tùng
Khi tới trước ngôi nhà 2 tầng đang xây dựng dở dang trong khuôn viên trường, ông Dũng chép miệng: “Do thiếu phòng học nên nhà trường đã chuyển đổi nhà hiệu bộ, các phòng chức năng thành lớp học phục vụ nhu cầu lên lớp cho 392 học sinh. Cuối năm 2012, dự án nâng cấp trường Tiểu học xã Liệp Tuyết đã được phê duyệt phương án đầu tư, hiện đã hoàn thành phần thô công trình nhà hiệu bộ, nhưng 2 năm qua phải tạm dừng thi công do không có kinh phí”. Khi được hỏi về tình hình vốn, ông Dũng lắc đầu: “Chúng tôi cũng chưa biết khi nào có vốn để tiếp tục hoàn thiện dự án…”.

Cũng liên quan tới cơ sở vật chất trường học, tại xã Liệp Tuyết hiện còn có trường THCS và 4 điểm trường mầm non. Dù số phòng học cơ bản đáp ứng, nhưng hệ thống sân, tường bao và đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ vui chơi, học tập của các em còn rất sơ sài. Dự án trường mầm non trung tâm xã đã được bố trí vốn thực hiện và được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đầu cấp của địa phương, nhưng tiến độ thi công hiện cũng đang rất chậm.

Không chỉ có trường học

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tạ Văn Chính, Liệp Tuyết là xã trong giai đoạn 2 Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đánh giá sơ bộ đến nay, dù đã đạt và cơ bản đạt 13 tiêu chí, nhưng một số tiêu chí khó như thu nhập, giao thông – thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất trường học… đều còn rất thấp. Đơn cử như, thu nhập của người dân trong xã hiện mới đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/người/năm. Không có nghề phụ, người dân quanh năm vẫn chỉ biết “trông” vào sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi lợn, gà) thu nhập chưa cao. Nguyên nhân, như ông Kiều Mạnh Hùng – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Liệp Tuyết chia sẻ, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn rất hạn chế, người dân vẫn chủ yếu “cấy bằng tay”, thay vì áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy tiên tiến như ở nhiều địa phương khác...

Bên cạnh những hạn chế về đổi mới sản xuất, cơ sở vật chất trường học, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng trên địa bàn dù đang từng bước được đầu tư hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đây là những “cái khó” mà địa phương rất mong các cấp chính quyền từ huyện đến TP quan tâm, tiếp tục có chủ trương đầu tư cần thiết, tạo điều kiện để địa phương có được bước chuyển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Việc một số dự án (trong đó có trường học) bị chậm tiến độ một phần là do tình trạng đầu tư xây dựng khá dàn trải những năm qua. Nguồn vốn đầu tư đến nay cũng rất hạn chế do nợ đọng xây dựng cơ bản của huyện là tương đối lớn. Hiện tại, huyện đang tích cực triển khai các chính sách kêu gọi đầu tư; cùng với đó, sẽ ưu tiên bố trí, cân đối ngân sách để hoàn thiện các dự án dang dở tại những xã còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần