Cải tạo, xây dựng chợ truyền thống: Vướng cơ chế, khó gọi nhà đầu tư

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng cần nâng cấp, xây mới. Thế nhưng việc kêu gọi đầu tư không hề dễ dàng, do Hà Nội còn thiếu cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để thu hút DN.

Doanh nghiệp kêu khó

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%); 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%); 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%).

Hiện hầu hết các chợ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Trong khi đó, một số chợ đã cải tạo theo mô hình kết hợp trung tâm thương mại lại hoạt động không hiệu quả.

Thực tế cho thấy, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) là chợ đầu tiên trong khu vực nội thành được chuyển đổi sang mô hình kết hợp trung tâm thương mại.

Hoạt động mua bán tại chợ Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng
Hoạt động mua bán tại chợ Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng

Công trình được khởi công năm 2007 với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010, chợ cũng dần vắng khách và từ năm 2017 không còn hộ kinh doanh.

Tương tự, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) vốn nổi tiếng sầm uất thì nay cũng gần như “đóng băng” sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh thành trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh.

Theo nhiều tiểu thương, từ ngày chợ “lên đời” với hệ thống thang máy hiện đại, thì việc buôn bán trở nên ế ẩm vì người dân chỉ mua mớ rau, con cá ngại phải gửi xe đi xuống tầng hầm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh hải sản trong chợ, cho biết, chị vẫn giữ ki ốt chỉ để làm điểm tập kết hàng hóa và bán buôn cho các mối quen, còn bán lẻ thì gần như không có khách.

Thế nhưng, chợ cóc, chợ tạm lại “nở” ra quanh khu vực chợ Hàng Da.

Cùng giai đoạn năm 2009 - 2016 còn có các chợ 19/12, Ô Chợ Dừa, chợ Mơ… được xây dựng lại theo mô hình kết hợp trung tâm thương mại hiện đại, song đều rơi vào tình cảnh vắng vẻ.

Bên cạnh đó, các chợ như Thành Công, Châu Long (quận Ba Đình), Xuân La (quận Tây Hồ)…, dù đã xuống cấp, nhưng việc xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương.

Bà Nguyễn Thị Hà, kinh doanh tại chợ Thành Công, chia sẻ, các tiểu thương đều mong muốn chợ khang trang hơn, nhưng cũng băn khoăn, nếu chợ được xây dựng thành trung tâm thương mại, tình hình kinh doanh lại èo uột.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của TP Hà Nội định hướng đến năm 2030, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ.

Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trong khi nhà đầu tư lại không “mặn mà” vì lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.

“DN bỏ vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ, các tiểu thương có mặt bằng kinh doanh tốt hơn, tuy nhiên, giá thuê địa điểm kinh doanh cũng tăng dẫn tới hiện tượng thiếu đồng thuận và khiếu kiện” - bà Trần Thị Phương Lan nói.

Từ góc độ DN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn cho biết, khi chuyển từ mô hình Nhà nước quản lý sang DN quản lý, tiền thuê đất được tính vào giá thành đầu tư, kéo theo giá thuê diện tích bán hàng tăng 2 - 3 lần khiến các tiểu thương bỏ chợ, còn DN thua lỗ..., vì thế dự án xây dựng chợ chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Lý giải về sự khó khăn khi đầu tư vào các chợ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam Hoàng Minh Luân nêu rõ, nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ bằng vốn ngân sách còn vướng mắc về cơ chế chính sách, khó tiếp cận nguồn vốn này. Trong khi đó các đơn vị bỏ vốn xây dựng chợ lại phải đối mặt với việc tăng giá tiền thuê đất dẫn đến phải bù lỗ và nợ tiền thuê đất…

Mặt khác, một số sở, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về những lĩnh vực liên quan đến đầu tư xây dựng, cơ chế, chính sách thu hút DN tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ… cũng khiến việc xã hội hóa vốn đầu tư gặp khó khăn.

Gỡ bằng chính sách

Chia sẻ về định hướng phát triển hệ thống chợ dân sinh, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu hỗ trợ vốn từ ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng chợ theo quy định, đồng thời khuyến khích phát triển mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ văn minh thương mại.

Bên cạnh việc nâng cấp các chợ trung tâm cấp quận, duy trì các chợ cấp phường hoạt động hiệu quả, có cơ sở vật chất bảo đảm, mô hình chợ mới nên tăng thêm chức năng công cộng để trở thành không gian tương tác xã hội.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, cơ sở hạ tầng chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội đã ở mức "báo động" nhưng để kêu gọi DN bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây mới đòi hỏi cơ quan quản lý phải lấy DN làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.

Tuy nhiên muốn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ, cơ quan quản lý cần làm rõ nội dung DN đầu tư được quản lý, khai thác chợ, đặc biệt rà soát quỹ đất để ưu tiên xây dựng các chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, khai thác chợ, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ, qua đó đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý tổ chức triển khai thực hiện kêu gọi vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nên có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay… cho các DN, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ qua đó bảo đảm chi phí đầu vào cho DN.

Việc cải tạo các chợ truyền thống đang là yêu cầu cấp thiết nhưng muốn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ thì vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý Nhà nước là hết sức quan trọng.

Vì vậy, trong thời gian tới rất cần UBND TP Hà Nội và các ngành liên quan xây dựng ngay cơ chế hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư, khai thác hệ thống chợ, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì khó có thể xã hội hóa vốn đầu tư.

 

Nhằm gõ khó cho việc thu hút vốn đầu tư xây dựng hệ thống chợ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở TN&MT tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các chợ về tiền thuê đất theo quy định tại Luật Đất đai; đồng thời hướng dẫn quận, huyện, thị xã xác định giá trị tài sản trên đất, xử lý thanh toán tài sản có nguồn gốc từ vốn ngân sách trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ.