Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Chậm vì thiếu quy hoạch chi tiết

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhetdothị - Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn, các sở, ngành, quận, huyện của Hà Nội đang khẩn trương vào cuộc phối hợp gỡ vướng từng phần việc.

Nhất là khâu lập quy hoạch chi tiết đang bị chậm tiến độ, Sở QH - KT đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc từng nhóm công việc cụ thể, tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ.

Chưa có khu chung cư cũ nào được lập quy hoạch chi tiết

Theo Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND TP Hà Nội, về nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thì trong quý IV/2022, các đơn vị liên quan phải hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch 9 khu chung cư cũ, 7 nhóm chung cư cũ và 2 nhà chung cư cũ đơn lẻ.

Chung cư cũ Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng
Chung cư cũ Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên đến nay, kế hoạch này đã chậm tiến độ khi chưa có bất kỳ khu chung cư cũ nào được phê duyệt quy hoạch.

Chính vì sự chậm trễ này nên mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 69) về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trong đó, Bộ Xây dựng nêu rõ, việc triển khai Nghị định 69 tại nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cần cải tạo, xây dựng lại vẫn còn chậm so với yêu cầu.

Một trong những nguyên nhân do chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cũ.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện các phần việc thuộc thẩm quyền, trong đó, cần tập trung phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại; công bố công khai các thông tin về quy hoạch để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện.

Tại kết luận về kết quả một năm triển khai thực hiện Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội cũng cho rằng, việc chậm nghiên cứu lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D.

Vì vậy, lãnh đạo TP yêu cầu Sở QH - KT, UBND các quận, huyện liên quan cần đẩy nhanh tiến độ công việc được giao.

Theo quy định tại Nghị định 69 về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, các bước theo trình tự: Lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, UBND TP ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, các nhà đầu tư lập phương án tái định cư phù hợp với quy hoạch đã được duyệt và các quy định.

Sau đó, UBND quận tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn ra nhà đầu tư, trình TP chấp thuận rồi mới lập đề xuất chủ trương đầu tư trình TP phê duyệt. Bước tiếp đến mới là chủ đầu tư lập dự án, đầu tư xây dựng công trình, bàn giao căn hộ cho người dân tái định cư về nơi ở mới.

Như vậy có thể thấy khâu lập, phê duyệt quy hoạch là tiền đề quan trọng trong việc đẩy nhanh thực hiện cải tạo, xây mới chung cư cũ.

Tích cực phối hợp, tháo gỡ vướng mắc

Để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, ông Nguyễn Bá Nguyên - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở QH - KT Hà Nội) cho biết, Sở đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cũ theo tiến độ giai đoạn 1 tại Kế hoạch số 329/KH-UBND của UBND TP) khẩn trương nghiên cứu, thẩm định, trình phê duyệt đồ án quy hoạch.

Đặc biệt, Sở đã đề nghị các địa phương chủ động liên hệ với các nhà đầu tư trước đây được giao nghiên cứu lập 19 ý tưởng quy hoạch khu chung cư cũ và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) để tiếp nhận, tham khảo, tận dụng các nội dung đã có, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu.

Ngoài ra, Sở QH - KT cũng đã cung cấp thông tin quy hoạch các khu đất của chung cư cũ cho các địa phương.

Riêng tại địa bàn 5 quận nội đô, nơi có 20 khu chung cư, 69 nhóm chung cư, 209 chung cư cũ độc lập, riêng lẻ cần cải tạo, xây dựng lại, đại diện Phòng Quản lý quy hoạch trung tâm TP và phụ cận (Sở QH - KT) cho biết, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng của các quận để cung cấp định hướng, chỉ tiêu quy hoạch liên quan đến công tác lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng các khu chung cư cũ giai đoạn 1.

Bằng sự tích cực phối hợp, hướng dẫn, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu.

Như tại quận Ba Đình, đã hoàn thành báo cáo thẩm định dự toán lập quy hoạch chi tiết và trình UBND TP xem xét, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại Khu chung cư Ngọc Khánh và phụ cận.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, tham gia ý kiến cụ thể để UBND quận Ba Đình có cơ sở nghiên cứu lập tổng mặt bằng Khu tập thể Bộ Tư pháp theo quy hoạch và quy định hiện hành.

Tại quận Đống Đa, đã phối hợp triển khai rà soát, xác định ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch Khu tập thể Khương Thượng; rà soát nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại Khu tập thể Kim Liên (được UBND TP phê duyệt từ năm 2016) và Khu tập thể Khương Thượng (được UBND TP phê duyệt từ năm 2009).

Đối với chung cư cũ 60 Thổ Quan, Sở đề nghị quận theo hướng tiếp nhận lại sản phẩm nhà đầu tư trước đây đã nghiên cứu để có phương án kế thừa kết quả nghiên cứu quy hoạch.

Đối với quận Hoàn Kiếm, đã cung cấp thông tin quy hoạch tại nhóm chung cư cũ gồm các số nhà 67 - 67A,B Hàng Bông; số 1,3,5,7 Phủ Doãn; số 26, 28, 30, 32, 36 Chân Cầm để UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu lập tổng mặt bằng, phương án kiến trúc xây dựng lại theo chủ trương, quy định hiện hành.

Là quận có nhiều khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D, được ưu tiên triển khai trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND TP, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng lập quy hoạch chi tiết 4 khu chung cư cũ và lập tổng mặt bằng 43 chung cư cũ phân bố trên địa bàn khoảng 12 phường.

UBND quận đã đo đạc, khảo sát, lấy chỉ giới đường đỏ, số liệu kỹ thuật và các dữ liệu hiện trạng 1/500, đã lập dự toán quy hoạch chi tiết và trình Sở QH - KT thẩm định, trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch các khu tập thể có nhà nguy hiểm cấp D gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh.

“Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi số tầng công trình đã quy định tại đồ án phân khu H1 - 2 dẫn tới diện tích sàn kinh doanh (sau khi đã bố trí tái định cư) còn lại ít, không hấp dẫn được các nhà đầu tư, tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Do đó, UBND quận đã đề xuất UBND TP xem xét cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tầng cao quy hoạch đối với khu vực các chung cư cũ Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ, Liễu Giai và các chung cư đơn lẻ trên cơ sở tăng diện tích công cộng, dịch vụ thương mại, cơ bản không làm tăng dân số” - ông Tạ Nam Chiến cho hay.

 

Công tác cải tạo xây mới chung cư cũ hiện nay trên địa bàn TP về cơ bản là không vướng mắc gì về khâu quy hoạch vì đã được quy định rất rõ trong Nghị định 69. Đồng thời, trong các quy hoạch phân khu được TP Hà Nội phê duyệt cũng đã quy định cụ thể về chỉ tiêu dân số, tầng cao… cho từng khu vực.

Trên cơ sở các quy định, quy hoạch cấp trên đã có, vấn đề hiện nay là các địa phương cần đẩy nhanh tổ chức đấu thầu chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết cho từng khu vực nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khi đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết, các địa phương phải thực hiện nhiều khâu, nhiều bước theo quy trình, quy định của luật nên tiến độ vẫn chưa đáp ứng được theo Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND TP.

Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở QH - KT Nguyễn Bá Nguyên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần