Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải tạo, xây mới hồ điều hòa: Giải pháp căn cơ chống úng ngập nội đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những trận mưa lớn kéo dài, nhiều con đường, tuyến phố Hà Nội bị ngập sâu trong nước; giao thông ách tắc, sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chữa trị tận gốc căn bệnh “cứ mưa là ngập” ở Hà Nội thì việc xây mới, cải tạo hệ thống hồ giúp tiêu thoát nước là một trong những giải pháp căn cơ.
Ngập từ phố cũ đến khu đô thị mới
Trong các ngày 13/6, 19/6, 25/6 vừa qua, những trận mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều cung đường ở Hà Nội úng ngập nghiêm trọng. Một số trục đường mới nằm tại các quận phía Tây TP như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… nước dâng tràn chẳng khác một dòng sông nhỏ, khiến ô tô, xe máy qua lại rất khó khăn. Thậm chí, những nơi thường rất ít khi bị ngập úng như các tuyến phố cổ tại quận Hoàn Kiếm, sau các cơn mưa gần đây cũng đã ngập sâu, nước tràn vào nhà dân, gây đảo lộn sinh hoạt.

Hồ điều hòa Linh Đàm giúp cải thiện lớn năng lực thoát nước cho phía Nam Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng lưu tâm hơn, tình trạng ngập úng đã xuất hiện tại nhiều khu đô thị, tòa cao ốc mới, nơi được đánh giá là đầu tư xây dựng hiện đại. Ví như, tại khu dự án cao cấp Keangnam (quận Nam Từ Liêm). Từ khi triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, tòa nhà 72 tầng này luôn được xếp vào top hiện đại bậc nhất Thủ đô, nhưng sau mỗi trận mưa, hình ảnh hàng chục ô tô chết máy ở đoạn đường thuộc khu dự án đã trở nên không mấy xa lạ với người dân. Tương tự, tại các khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Phú, An Khánh, Geleximco Dương Nội… có giá lên đến cả chục tỷ đồng một căn hộ, cũng là “điểm đen” về úng ngập. Như vậy có thể thấy, hệ thống hồ điều hòa và hạ tầng thoát nước ở nhiều khu đô thị mới đang tồn tại nhiều điểm bất cập, hoạt động kém hiệu quả. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội hiện nay còn nhiều nơi chưa được đầu tư hoàn thiện, phụ thuộc nhiều vào ao hồ tự nhiên, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thoát nước mùa mưa. Hiện nay, nội thành Hà Nội còn 18 điểm úng ngập nằm trên các trục đường giao thông quan trọng và 170 điểm nhỏ ở các ngõ xóm nhỏ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội bao gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2, nhưng chủ yếu là hệ thống thoát nước chung bao gồm 3.385km cống rãnh; 165,1km mương, sông, kênh; 36.420 ga thu; 31.059 ga thăm; 122 hồ điều hòa; 9 trạm bơm thoát nước mưa chính; 5 nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, trong 4 lưu vực thoát nước, hiện nay mới chỉ có lưu vực sông Tô Lịch được cải tạo, các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Do đó, vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được.
Xây hồ chống úng ngập
Giải quyết tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn, và để giảm những bức xúc dân sinh trong quá trình phát triển đô thị là vấn đề quan trọng. Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác quản lý quy hoạch, xây dựng hôm 16/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã nhận thức được vấn đề này nên từ năm 2002 TP đã đầu tư xây dựng 2 dự án thoát nước, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Hiện nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành, giai đoạn 2 cũng cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, dù có hoàn thành cả hai giai đoạn thì đối với các quận cũ và một phần quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ chỉ chịu được lượng mưa 120mm, nếu trên lượng này vẫn ngập lụt cục bộ.
Với toàn bộ vùng phía Tây của Hà Nội (quận Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm) Hà Nội  hiện còn “trắng” hệ thống thoát nước, TP Hà Nội đang đầu tư xây dựng cống Liên Mạc, nạo vét sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Sau khi hoàn thành sẽ khắc phục được vấn đề ngập lụt tại phía Tây. Ngoài ra, TP cũng đang tập trung xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải của sông Tô Lịch, hiện nay, dự án xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270m3/ngày/đêm cũng sẽ giúp giảm ngập úng cục bộ trong các quận nội thành. Song song với các giải pháp này, Hà Nội đã đưa ra kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 tiến hành đào và bổ sung thêm 25 hồ ở khu vực nội thành. Trong đó có những hồ rất lớn như hồ Công viên CV1 tại khu vực Cầu Giấy rộng 32ha, trong đó 19ha mặt hồ, công viên hồ điều hòa Phùng Khoang diện tích 11,9ha, trong đó diện tích mặt hồ là 7,1ha... Khi hoàn thành với 25 hồ được đào mới sẽ giảm áp lực ngập lụt khi mưa lớn tại Hà Nội.
Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Quang Hưng đánh giá, việc TP Hà Nội đang tích cực xây dựng các hồ điều hòa mới sau khi rất nhiều hồ tự nhiên đã bị lấp là một động thái tích cực, một hướng đi đúng để giải bài toán úng ngập hiện nay. Ông Trần Quang Hưng cho hay, ở Nhật Bản, người ta còn đào cả một tầng hầm dưới lòng TP để chứa nước mưa, Hà Nội chưa có điều kiện để thực hiện điều này thì cần tăng cường xây dựng các hồ điều hòa. Trong đó, đặc biệt yêu cầu các chủ đầu tư khi lấy khu đất làm dự án khu đô thị bắt buộc phải xây một hồ điều hòa có thể chứa lượng nước mưa tương ứng với diện tích bề mặt của khu đó khi lượng nước mưa đổ xuống với lượng trung bình.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc phát triển số lượng, TP cũng cần chú ý tính toán kỹ về diện tích mỗi hồ xây thêm để phát huy tối đa khả năng tiêu thoát nước phù hợp cho từng khu vực đã được đo có lượng nước mưa cụ thể hàng năm. Bên cạnh đó, phải xây dựng những trạm bơm tiêu thoát cục bộ để giải quyết cho được việc úng ngập ở những vùng trũng có mật độ dân cư lớn hiện nay.
Ngoài xây mới, việc cải tạo, nạo vét lòng sông, hồ hiện có cũng đang được TP tích cực triển khai. Hà Nội đã và đang tiến hành nạo hơn 100 hồ, trong đó có hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Hồ Tây hiện đang có dự án nạo vét 1,5 triệu mét khối bùn, nếu xong dự án này vào tháng 2/2018 sẽ tăng thêm khoảng hơn 1 triệu mét khối nước. Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã triển khai nạo vét trên hồ Giáp Bát (quận Hoàng Mai), hồ Công Viên (quận Long Biên) bằng dây chuyền C2 cải tiến để tăng hiệu quả công tác xử lý ô nhiễm. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty tiếp tục nạo vét trên hồ Kim Liên, hồ Đền Lừ. Cũng theo ông Trần Quang Hưng, trong khi thực hiện các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để giảm úng ngập khi mưa lớn, việc cấp thiết cần làm ngay là, Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng ý thức người dân không xả rác bừa bãi xuống các hồ chứa, các dòng sông thoát nước như sông Tô Lịch, Sét, Kim Ngưu…
Giảm úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành là vấn đề không đơn giản, cần một quá trình triển khai, và Hà Nội đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thời gian tới sẽ có hàng chục hồ điều hòa hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng với nỗ lực cải tạo hệ thống hồ hiện có, hy vọng cảnh “cứ mưa là ngập” trên các con phố của Hà Nội sẽ không còn xuất hiện.

“Chủ trương xây hồ điều hòa có diện tích mặt nước lớn trong các khu công viên mới hiện nay của Hà Nội là rất tích cực, không những giúp tăng cường việc tiêu thoát nước mưa, giảm úng ngập mà còn tạo dựng những lá phổi điều hòa không khí do tốc độ bê tông hóa quá nhanh hiện nay”.

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Trần Quang Hưng.