Cải thiện chỉ số PCI: Nâng cao chất lượng thực thi vì doanh nghiệp

Thảo Nguyên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, đại diện cho nhóm nghiên cứu PCI chia sẻ, thời gian tới, chính quyền địa phương cần thúc đẩy, nâng cao chất lượng thực thi nhằm thúc đẩy kinh tế và cộng đồng DN phát triển.

Cải thiện chỉ số PCI: Nâng cao chất lượng thực thi vì doanh nghiệp - Ảnh 1

Thưa ông, từ những kết quả điều tra PCI 2021 có những yếu tố nào có thể tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số này trong thời gian tới?

- PCI bình quân đã có sự thay đổi so với năm trước. Điểm PCI gốc năm 2021 đạt 65,53 điểm, cao hơn 1,6 điểm so với điểm PCI gốc 2020 và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2021. Dù vậy, qua điều tra DN rất nhiều lĩnh vực mà chính quyền địa phương có thể cải cách hơn nữa trong thời gian tới. Chẳng hạn qua điều tra, nhóm thủ tục sau đăng ký DN còn nhiều trở ngại. Có lẽ nhiều địa phương vẫn đang tập trung vào nhóm thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư nhưng đối với nhà đầu tư, nhóm thủ tục sau khi, đã vào hoạt động còn quan trọng hơn nhóm thủ tục đăng ký kinh doanh đầu tiên. Điểm thứ 2, thủ tục đất đai còn cản trở rất lớn nên nếu tháo gỡ khó khăn ở nhóm thủ tục này, chúng tôi tin rằng sẽ giải phóng nhiều nguồn lực. Thứ 3, qua khảo sát của VCCI, ở nhóm thủ tục hành chính, các DN phản ánh còn nhiều cản trở, phiền hà như thuế phí, đặc biệt là đất đai, xây dựng cần phải thay đổi mạnh mẽ.

Chúng tôi cho rằng, thời gian tới, nỗ lực của các chính quyền địa phương là thực thi, thực hiện chính sách. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Luật, Nghị quyết … nhưng có đi vào cuộc sống, thực chất hay không tuỳ thuộc vào việc triển khai của chính quyền địa phương.

Có thể thấy rằng, qua điều tra Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mặc dù tác động rất lớn tới DN nhưng mức độ thực thi chưa cao, hay như chúng ta ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại mới nhưng tỷ lệ DN thực sự hiểu và khai thác được còn tương đối hạn chế. Nên thời gian tới phải thúc đẩy nâng cao chất lượng thực thi cũng là cách thức để nâng cao, thúc đẩy kinh tế và cộng đồng DN.

Các địa phương coi trọng PCI coi như “cuộc đua” để đạt thứ hạng tốt hơn. Ở đây đặt ra vấn đề không chỉ là xếp hạng hay số điểm mà quan trọng là thực thi thế nào, có phải không, thưa ông?

- PCI cao hay thấp phụ thuộc vào đánh giá của DN đang hoạt động tại địa phương, phụ thuộc vào trải nghiệm thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, các ngành khác nhau tại địa phương. Bằng phương thức đánh giá hàng năm PCI đưa ra một thông điệp rất quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào rất nhiều kết quả thực thi và phụ thuộc vào các DN tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế chứ không chỉ phụ thuộc vào những tập đoàn lớn hay những dự án lớn của nhiều tỉnh, TP.

Hiện nay, ở đâu đó vẫn tương đối phổ biến tình trạng địa phương chỉ quan tâm tới những dự án lớn. Thời gian, chương trình, hay những nỗ lực vận hành bộ máy của họ có thể đang ít hướng tới DN nhỏ và vừa. Khu vực DN này có thể đang phải chịu những thủ tục chưa được dễ chịu và quan tâm đúng mức. Cho nên VCCI cho rằng, tăng cường thực thi hướng về các DN nhỏ và vừa cũng là cách thức vừa nâng cao PCI vừa thúc đẩy quá trình tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Hai trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước là Hà Nội đứng thứ 10, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng PCI 2021. Ông đánh giá sao về kết quả này?
- Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là những trung tâm kinh tế lớn, rõ ràng 2021 vừa qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 với 2 TP này rất lớn và trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc Hà Nội vẫn duy trì trong Top 10 của PCI cũng là một thành công rất quan trọng. Chúng tôi thấy rằng, Hà Nội cũng đang hành động rất bài bản để cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy hỗ trợ DN. Chỉ số điểm PCI tổng của Hà Nội năm 2021 vẫn tăng 1,87 điểm so với năm 2020.

Các chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, tính năng động của chính quyền cũng ở mức khá hoặc cao. Hy vọng thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về chỉ số.