Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Trần Công Khôi cho biết, năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 610 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 117,306 nghìn ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 1.080,6 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2021).
Con số 4,3 tỷ được đánh giá là kết quả vượt mong đợi của ngành tôm. Cùng những lợi thế sẵn có trong nước, các chính sách phát triển của ngành cũng khuyến khích người nuôi tôm và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Cùng đó, các FTA vẫn tiếp tục là “đòn bẫy” cạnh tranh cho con tôm Việt Nam thuận lợi lưu thông trong điều kiện biến động tỷ giá vẫn còn tiếp diễn.
Cơ hội và thách thức
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu tôm, chỉ sau Ecuador (6,7 tỷ USD) và Ấn Độ (5,5 tỷ USD).
Ông Trương Đình Hòe nhận định, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với những nền kinh tế lớn là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiềm lực về khoa học công nghệ, nhân lực và điệu kiện tự nhiên khác khiến Việt Nam đầy đủ yếu tố để có thể tiếp tục phát triển ngành tôm. Bên cạnh đó, sự liên kết chuỗi dây truyền, chọn giống, sản xuất giống… chế biến xuất khẩu, ngày càng được đẩy mạnh…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối diện với những nguy cơ lớn, bởi sự mất lợi thế cạnh tranh về giá thành sản xuất so với các đối thủ chính như Ecuador và Ấn Độ. Các yếu tố dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do vi bào tử trùng khiến tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng. Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi lạm phát toàn cầu, phí logistics cao, rào cản thị trường như hạn ngạch ở Hàn Quốc…
Giải pháp tháo gỡ
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã chia sẻ những giải pháp để giảm giá thành cho tôm nuôi Việt Nam.
“Giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuador đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện, mà còn có xu hướng ngày càng cao thêm. Nếu không thay đổi được vấn đề này, trong tương lai, doanh nghiệp nói riêng và ngành tôm nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, để giảm giá thành tôm nuôi, cần gia hóa cải tạo di truyền của đàn tôm bố mẹ sú và thẻ chân trắng, theo hướng chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường tại Việt Nam.
“Có thể nói, con giống quyết định trên 60% tỷ lệ nuôi thành công, nên vấn đề làm sao có được con giống kháng bệnh, chứ không chỉ mỗi có con giống sạch bệnh. Các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến rất cần con giống kháng bệnh tốt. Vì thả con giống dù sạch bệnh vào những môi trường chưa được sạch, cũng rất dễ phát sinh bệnh và gây hại” - ông Lê Văn Quang chia sẻ.
Đồng thời, để giảm giá thành tôm cần sản xuất tôm giống chất lượng cao, minh bạch. Chìa khóa thành công trong nuôi tôm là tôm post. Tôm post được nuôi bằng đa tảo mà chủ lực là tảo khuê, luân trùng và artemia chất lượng cao. Toàn bộ quá trình sản xuất tôm giống từ tôm bố mẹ, ấu trùng, đến vùng nuôi đều được kiểm soát bằng phần mềm quản lý chất lượng, đảm bảo tính minh bạch.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy trình nuôi tối ưu giá thành thấp cho từng mô hình như: Tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú-lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao.